Hội thảo đề tài cấp bộ năm 2017 “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế pháp lý về đối tác công tư (PPP) trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam hiện nay”

Chủ nhật - 01/10/2017 13:00. Xem: 133
Ngày 29/9/2017 Viện Khoa học và công nghệ GTVT đã tổ chức Hội thảo đề tài cấp Bộ năm 2017: “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế pháp lý về đối tác công tư (PPP) trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam hiện nay” Mã số: DT164063 do ThS. Đinh Văn Tuấn làm chủ nhiệm đề tài. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT chủ trì, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu.

Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện các mục tiêu đó, theo ước tính của Bộ giao thông vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2016-2020 là khoảng 1.015.000 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ Đô la).

Như vậy, có thể thấy nhu cầu về vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta thời gian trước đây và trong thời gian tới đều rất lớn. Vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được huy động từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu chính phủ và huy động ngoài. Trong điều kiện NSNN ngày càng khó khăn, Chính phủ chủ trương tăng cường huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ mọi thành phần kinh tế trong đó huy động vốn ODA, FDI và huy động ngoài NSNN là những kênh huy động vốn quan trọng. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn vốn nước ngoài ngày càng khó khăn.

Việc mở ra cơ chế hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công- tư  (PPP) đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở nước ta.

 Ngoài kết quả đạt được như hệ thống đường sá, cầu cống, cơ sở hạ tầng khác phát triển bằng nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi cần phải được giải quyết cả về lý luận và thực tiễn.

 Nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng và ý kiến của cử tri liên quan đến vai trò quản lý của Nhà nước, tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình đối với đầu tư các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT (là một trong những hình thức hợp tác công – tư PPP) như: chủ trương đầu tư, lựa chọn công trình đầu tư, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, quản lý chất lượng công trình, giá thành, hiệu quả đầu tư, mức phí và thời gian thu phí, các cơ chế, chính sách quản lý dự án... Bên cạnh đó, việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, chưa theo quy định, mức thu và thời gian thu phí chưa hợp lý đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực ảnh hưởng đến nền kinh tế đang đặt ra vấn đề cần phải khắc phục.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có cách thức lựa chọn công trình, quản lý, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần thu hút nguồn vốn vào các lĩnh vực khác nhau để phát triển kinh tế của đất nước.

Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế pháp lý về đối tác công tư (PPP) trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam hiện nay” là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế.

  Mục tiêu của đề tài: nghiên cứu, đánh giá thực trạng thể chế pháp lý về đối tác công tư và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế pháp lý về đối tác công tư (PPP) trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường hiệu quả và sự rõ ràng, minh bạch của thể chế pháp lý về PPP, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

 Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã trình bày các nội dung theo đề cương được phê duyệt:

-               Nghiên cứu cơ sở lý luận về PPP trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT 

-               Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thực thi mô hình PPP

-               Nghiên cứu, đánh giá thực trạng thể chế pháp lý về PPP trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam

-               Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện thể chế pháp lý về PPP trong phát triển kết cấu hạ tầng GTVT ở Việt Nam

Báo cáo khoa học của đề tài có thể làm tài liệu để các đơn vị chức năng trong ngành GTVT xem xét kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện thể chế pháp lý PPP

Thông qua hội thảo, chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý để tiếp tục hoàn thiện kết quả nghiên cứu của đề tài .

 

 Một số hình ảnh Hội thảo

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây