Ký hợp đồng Dự án cầu Cao Lãnh

Thứ tư - 16/10/2013 13:00. Xem: 134
Chiều 16/10,  tại Hà Nội,  Bộ GTVT đã tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và tổ chức quản lý thực hiện cho biết: Tổng giá trị Hợp đồng xây lắp của cầu Cao Lãnh là 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn vay của ADB. Dự án cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 2.015,7m  gồm: Phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, có khẩu độ nhịp chính dài 350m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL)  đổ tại chỗ, chiều cao trụ tháp là 123,4 m. Dầm chủ bằng BTCT DƯL, mặt cắt ngang dạng chữ П, chiều cao 2,2m. Cầu dẫn phía Bắc và phía Nam sử dụng dầm Super-T BTCT DUL gồm 17 nhịp.
 
Tổng giá trị Hợp đồng xây lắp của cầu Cao Lãnh là 145 triệu USD
Tổng giá trị Hợp đồng xây lắp của cầu Cao Lãnh là 145 triệu USD

Cầu sẽ có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h. Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m. Dự án Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc. (Mỹ) - WSP FINLAND Ltd (Phần Lan) - YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc) tư vấn thiết kế và giám sát. Nhà thầu xây dựng là Liên danh Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty VINACONEX E&C . Dự kiến thời gian thi công và hoàn thành dự án cầu Cao Lãnh là 1.308 ngày (khoảng 43 tháng).

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn  Văn Thể nhấn mạnh: Cùng với các công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và các cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Vàm Cống, các tuyến đường Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh nói riêng và Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông nói chung sau khi hoàn thành, cùng với tuyến N2 đã hoàn thành, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang chuẩn bị thiết kế; sẽ hình thành 1 trục dọc thứ 2 bên cạnh trục Quốc lộ 1 từ TPHCM đi các tỉnh Tây Nam Bộ. Đồng thời góp phần hình thành một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
 
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây