Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Thứ ba - 22/10/2013 13:00. Xem: 135
Ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thuộc Bộ GTVT.

Về vị trí và chức năng: Tổng cục ĐBVN là tổ chức thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ và quyền hạn: Ngoài 16 nhiệm vụ, quyền hạn chính, Tổng cục ĐBVN thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ GTVT giao và theo quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ chính của Tổng cục ĐBVN là xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các quy định về quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng trình Bộ trưởng quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; quy định việc đấu nối vào đường bộ, tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định về báo hiệu đường bộ, tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ, tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và tổ chức thực hiện.

Tổng cục ĐBVN xây dựng trình Bộ trưởng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thấm quyền đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và các hình thức hợp đồng khác được Bộ trưởng phân cấp hoặc uỷ quyền.

Tổng cục ĐBVN chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về quản lý đường bộ cao tốc; tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác hệ thống đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật; huy động các nguồn vốn đầu tư, tổ chức quản ỉý các dự án đầu tư xây dựng, thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phân cấp, ủy quyền của Bộ GTVT.

Tổng cục ĐBVN xây dựng trình Bộ trưởng quy định việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông và hướng dẫn tổ chức thực hiện; xây dựng trình Bộ trưởng quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe; việc cấp giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ theo phân cấp của Bộ trưởng;

Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN xây dựng trình Bộ trưởng quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đường bộ và các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Xây dựng trình Bộ trưởng phê duyệt chương trình kế hoạch hợp tác quốc tế về vận tải đường bộ; xây dựng trình Bộ trưởng để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đề xuất việc ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về đường bộ; tham gia đàm phán điều ước quốc tế theo uỷ quyền, phân cấp và tổ chức đàm phán, ký kết thoả thuận, chương trình hợp tác quốc tế theo quy định; tổ chức việc cấp phép vận tải đường bộ quốc tế theo các điều ước, thoả thuận quốc tế về vận tải đường bộ theo phân cấp của Bộ trưởng; quản lý hoạt động vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật; quản lý các tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô theo phân công của Bộ trưởng;

Đồng thời, Tổng cục ĐBVN xây dựng trình Bộ trưởng đề án, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông và các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ; Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bão, lũ và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong giao thông đường bộ theo phân công của Bộ trưởng; xây dựng trình Bộ trưởng quy định về thẩm định an toàn giao thông trong xây dựng, quản lý và bảo trì đường bộ; thực hiện và phối họp thực hiện các dự án về an toàn giao thông đường bộ; phối hợp với cơ quan công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong việc cung cấp số liệu đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và thu hồi giấy phép lái xe.

Về cơ cấu tổ chức: Tổng cục ĐBVN có 21 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục ĐBVN. 21 đơn vị thuộc Tổng cục ĐBVN gồm: Vụ Kế hoạch - Đầu tư; Vụ Tài chính; Vụ An toàn giao thông; Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ; Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Vụ Vận tải; Vụ Quản lý phương tiện và người lái; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Văn phòng; Cục Quản lý xây dựng đường bộ; Cục Quản lý đường bộ cao tốc; Cục Quản lý đường bộ I; Cục Quản lý đường bộ II; Cục Quản lý đường bộ III; Cục Quản lý đường bộ IV; Trường Trung cấp GTVT miền Bắc; Trường Trung cấp GTVT miền Nam; Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ; Tạp chí Đường bộ Việt Nam; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013 và thay thế Quyết định số 107/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Tổng cục ĐBVN thuộc Bộ GTVT.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây