Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 còn có các đồng chí đại diện các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đoàn đại biểu QH Hà Nội và nhiều cơ quan ban ngành Trung ương và Hà Nội; Các Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên, Nguyễn Ngọc Đông, Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp; Chủ tịch Công đoàn Ngành GTVT Đỗ Nga Việt cùng hơn 450 đồng chí lãnh đạo các đơn vị trong ngành GTVT tại khu vực Hà Nội và đông đảo các đồng chí dự tại 62 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã báo cáo kết quả CBCNV toàn ngành GTVT đã đạt được trong năm 2013. Thứ trưởng cho biết: Năm 2013, Ngành GTVT phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như nguồn vốn đầu tư thiếu trầm trọng, nhất là từ ngân sách nhà nước. Hàng trăm công trình giao thông của TƯ và địa phương tiếp tục phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT...
Tuy nhiên, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2013, ngay từ đầu năm Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình hành động với các giải pháp thực hiện cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ phát triển KT - XH 2013 thuộc trách nhiệm của ngành GTVT. Bên cạnh đó, CB, CC, VC, CNV LĐ toàn ngành đã đoàn kết, thống nhất cao và nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác. Cụ thể, đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án khác năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các thành viên trong Đoàn chủ trì Hội nghị
Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải: Hoạt động vận tải đã bước đầu được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, nhất là vào các dịp Lễ, Tết. Vận tải hàng hóa và hành khách nă 2013 vẫn bảo đảm tăng trưởng, đạt hơn 1000 triệu tấn hàng và gần 3000 triệu lượt hành khách, tăng 5,4% về tấn vận chuyển, tăng 6,3% về hành khách vận chuyển so với năm 2012. Trong đó, vận tải hàng không tăng trưởng 16,7% về hành khách và 19,6% về hàng hóa, đã mở thêm 19 đường bay quốc tế và nội địa; hàng thông qua cảng biển ước đạt 326 triệu tấn, tăng 10,7%.
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và ùn tắc giao thông (UTGT) đã tiếp tục nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành GTVT. Tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế. Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương, số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10 nghìn người.
Về xây dựng và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, một trong 3 khâu đột phá chiến lược, được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Trong quản lý đầu tư đã khắc phục một số tồn tại như phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quy mô và suất đầu tư chưa hợp lý. Công tác kiểm soát chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư đã có chuyển biến mạnh mẽ. Trong năm đã khởi công 78 và hoàn thành 46 công trình, dự án. Nhiều dự án, công trình được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Một số dự án trước đây bị chậm tiến độ đã được khắc phục. Năm 2013 cũng là năm huy động được lượng vốn ngoài NSNN cao nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị
Công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường. Việc kịp thời triển khai hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ đã cải thiện rõ rệt chất lượng của công tác bảo trì KCHTGT đường bộ. Hình thức xã hội hóa trong tổ chức thực hiện bảo trì KCHTGT đã góp phần làm tăng hiệu quả vốn đầu tư, cơ bản duy trì chất lượng của hệ thông hạ tầng giao thông hiện có.
Trong năm 2013, toàn ngành GTVT cũng đã thực hiện cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam và 10 TCT do Bộ quyết định thành lập theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tiến bộ; Công tác tổ chức cán bộ được nâng cao; chất lượng cán bộ công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt; Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt trong quản lý đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, trong lập lại kỷ cương hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ Bộ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Thứ trưởng Trương Tấn Viên cũng thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT chỉ ra nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong mọi mặt công tác nhằm phát huy thành quả của năm 2013, hướng tới năm 2014 với phương châm hành động là "Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa".
Thứ trưởng Trương Tấn Viên trình bày tổng kết công tác năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ GTVT
Thứ trưởng Trương Tấn Viên cũng cho biết, về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014, toàn ngành GTVT phấn đấu tăng trưởng bình quân 6% về tấn hàng hóa và 7% về lượt hành khách so với năm 2013.
Về kế hoạch đầu tư phát triển, toàn ngành hoàn thành kế hoạch thực hiện giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến 86.586,9 tỷ đồng. Trong đó, NSNN là hơn 4500 tỷ đồng, ứng trước NSNN năm 2015 là 1300 tỷ đồng, TPCP là hơn 39 nghìn tỷ đồng, ngoài NSNN là hơn 41 nghìn tỷ đồng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm chất lượng các dự án nâng cấp, mở rọng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án trọng điểm; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông 2014 với chủ đề "Siết chặt quản lý các Ban QLDA, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát".
Về công tác bảo đảm ATGT và khắc phục UTGT, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí so với năm 2013. Thực hiện Năm ATGT 2014 với chủ đề "Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện". Tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm UTGT tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Hội nghị Báo cáo tổng kết Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông 2013 và kế hoạch triển khai kế hoạch 2014 của Ngành GTVT; Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đã báo cáo về kết quả huy động vốn ngoài NSNN và tiết giảm vốn đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông.
Sau khi nghe các báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT về nhiều mặt công tác của ngành GTVT trong năm qua cũng như kế hoạch hành động năm 2014 đồng thời nghe một số báo cáo của đại diện một số đơn vị trong Ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương, ghi nhận những thành quả mà CBCNV-LĐ Ngành GTVT đã đạt được trong năm qua. Thủ tướng khẳng định: Ngành GTVT trong năm 2013 và các năm trước đã đóng góp vào thành công của đất nước.
Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu CBCNV Ngành GTVT thực hiện 5 nhiệm vụ. Thứ nhất, Bộ GTVT cần tiếp tục hoàn thiện, thể chế, cơ chế để đảm bảo số lượng, tiến độ, chất lượng; Đi kèm với đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời uốn nắn sai phạm, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để quản lý. sát thực tế, sẽ có tính khả thi cao. "Đây là vấn đề then chốt nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong mọi mặt công tác của Ngành GTVT", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, Ngành GTVT phải tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng hạ tầng GTVT, đây là khâu đột phá, là điểm nghẽn của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tiến độ, chất lượng các công trình giao thông.
Thứ ba, tập trung làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo TTATGT. Trong đó tập trung mạnh hơn nữa vào việc siết chặt quản lý vận tải, kiểm tra tải trọng phương tiện.
Thứ tư, Bộ GTVT phải hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trong năm 2014 để sớm đưa lên thị trường chứng khoán, công khai minh bạch trước thị trường để cổ đông và nhân dân cùng giám sát nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả cao hơn, giảm tham nhũng.
Cuối cùng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cần quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Cờ cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua
Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng trao tặng Cờ cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua
Cũng tại Hội nghị, 13 địa phương và nhân dân vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Cờ Thi đua của Chính phủ trong phong trào toàn dân xây dựng giao thông nông thôn; 39 tập thể xuất sắc được Thủ tướng tặng Cờ trong phong trào thi đua yêu nước, hoạt động GTVT.
Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục nghe báo cáo tham luận của nhiều đơn vị trong ngành cũng như các Sở GTVT địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng Bộ GTVT; Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhiều cán bộ Ngành GTVT có thành tích xuất sắc từ năm 2008-2012; Trao Cờ Thi đua, Bằng khen của Bộ trưởng cho nhiều đơn vị, địa phương có thành tích cao trong phong trào xây dựng nông thôn mới và hoạt động trong nhiều lĩnh vực của Ngành GTVT.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và của cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với Ngành GTVT; Sự vào cuộc của các địa phương; Sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trên cả nước trong mọi hoạt động của Bộ GTVT. Bộ trưởng cũng không quên cảm ơn sự đoàn kết, gắn bó và nỗ lực không ngừng của hàng vạn CNCNVC-LĐ ngành GTVT ở mọi miền Tổ quốc đã kề vai sát cánh cùng nhau đưa ngành GTVT bước qua năm 2013 đầy khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát huy những kết quả hoạt động năm 2013, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GTVT thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014. Cụ thể là về công tác quản lý nhà nước, phải hoàn thiện thể chế văn bản, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm thế nào vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động vừa mang lại tiện ích cho người dân.
Bên cạnh đó, có các biện pháp siết chặt để mọi hoạt động GTVT chất lượng hơn và hiệu quả hơn như tăng cường thanh tra kiểm tra mọi hoạt động GTVT; Phối hợp tốt với địa phương, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; Đảm bảo đi lại cho người dân, đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ môi trường...
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa. "Chỉ cổ phần hóa là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước và hiệu lực quản lý của nhà nước đối với các doanh nghiệp", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Tổng cục ĐBVN cấp 57 trạm cân còn lại cho các địa phương triển khai ngay trên toàn quốc; Siết chặt quản lý vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện đồng loạt trên cả nước. Thực hiện xử phạt nghiêm, công bằng, minh bạch, kiểm soát tải trọng; Yêu cầu làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đây là một nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng giảm chi phí vận tải cho người dân, chi phí đầu tư cho doanh nghiệp...
Theo: mt.gov.vn
Một số ý kiến tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013, triển khai kế hoạch 2014 của Bộ GTVT:
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhất trí với Báo cáo tổng kết công tác Ngành giao thông vận tải năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải. Năm 2013, TP. Hà Nội đã triển khai các nhóm giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Về đầu tư, quản lý duy tu các công trình giao thông: Thành phố đã đưa vào sử dụng đến nay 7 cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao thông trọng điểm, 9 công trình: đường Vành đai I đoạn ô Chợ Dừa - Hoàng cầu, cầu Yến Vỹ - huyện Mỹ Đức, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng; cầu vượt nút giao Đại cồ Việt - Trần Khát Chân; cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (nút Daewoo); Cầu Khi; Cầu Giẽ trên Quốc lộ 1A cũ; đường 16 Sóc Sơn. Hoàn thành các cầu cho người đi bộ qua đường (cầu đi bộ khu nhà Công nghiệp Bắc Thăng Long, cầu đi bộ trên phố Thái Hà, cầu đi bộ trên đường Nguyền Văn Huyên và 3 cầu đi bộ trên đường Nguyễn Trãi). Tập trung thi công đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giây, thi công ga trên cao tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Đầu tư xây dựng tuyến buýt BRT Kim Mã - Hà Đông đã thi công hợp phần tuyển đường buýt nhanh BRT đoạn từ đường Láng đến đường Khuất Duy Tiến.
Đã tập trung phối hợp với Bộ Bộ giao thông Vận tải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải như: cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đã xong GPMB), Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (đã xong GPMB) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông .v.v... Tăng cường chỉ đạo công tác duy tu, duy trì các tuyến đường (gồm cả vỉa hè), xử lý các “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông.
Về tổ chức giao thông, trật tự đô thị: tiếp tục triển khai phân làn, phân luồng phương tiện trên một số tuyến phổ; tổ chức các cặp đường giao thông một chiều. Chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp lại các điểm trông giữ phương tiện, kiểm tra, giải toả các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường; tăng cường kiểm tra, xử ỉý các trường hợp vi phạm quy định giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; Tăng cường công tác gác trực tại 16 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt không có chắn; cải tạo, bổ sung các biện pháp cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông (lắp đặt barie, vuốt nối, bổ sung biển báo...) trên 14 vị trí đường ngang giao cắt đường sắt ừên địa bàn huyện Thường Tín, Phú Xuyên.
Về hoạt động vận tải công cộng: Thành phố rà soát, chấn chỉnh hoạt động quản lý vận tải, nhất là vận tải hành khách liên tỉnh. Đã sắp xếp lại hoạt động vận tải tại các Bến xe Mỳ Đình, Bến xe Yên Nghĩa,... xử lý nghiêm các bến xe cóc, xe dù. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách bằng xe buýt. Vì vậy, vận tải hành khách bằng xe buýt năm 2013 được 686 triệu lượt hành khách, mở thêm 03 tuyến xe buýt, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Kết quả trong năm 2013, các điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra ùn tắc, giảm 16 điểm -28%; không có điểm ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Năm 2013 giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2012, năm 2013 toàn Thành phố xảy ra 2.252 vụ, làm 626 người chết, 2008 người bị thương (So với năm 2012: Giảm 217 vụ = 8,8%, giảm 37 người chết = 5,58%, giảm 91 người bị thương = 4,3%).
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2013, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; Thành phố đã lấy năm 2014 là “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” và triển khai có hiệu quả chủ đề năm ATGT 2014 “Siết chặt quản lý kỉnh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo để đạt được mục tiêu: giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông, giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, không để ùn tắc kéo dài hơn 30 phút. Tăng từ 5-7% lượt hành khách công cộng. Tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người tham gia giao thông, kết hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông. Tham gia với Bộ Giao thông Vận tải về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vận tải; về điều kiện kinh doanh vận tải, nhất là vận tải đường bộ liên tỉnh. Triển khai Đề án thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long; Đề án quản lý hệ thống giao thông nông thôn, Đề án rà soát sắp xếp mạng lưới cảng bến thủy nội địa trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Thành phố sẽ chỉ đạo đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường hướng tâm và đường vành đai: Đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái và đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ - cầu Giấy - Voi Phục); Đường Vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở và đoạn Nhật Tân - cầu Giấy); Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; Đường Trần Phú - Kim Mã. Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, đường sắt số 02 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; các tuyến đường theo phương thức BT, BOT; triển khai xây dựng thêm các cầu vượt cho người đi bộ, các bãi đỗ xe trên địa bàn Thành phố (nhất là khu vực nội đô) theo kế hoạch.
Cùng với đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi, dự án cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách T2, v.v... Thực hiện tốt chương trình chống ùn tắc giao thông: tập trung giải quyết khu vực Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của và trên tuyến Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý vận tải, đặc biệt là vận tải liên tỉnh…
Tổng Giám đốc Cienco4 Lê Ngọc Hoa:
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc Cienco4 cho biết, với truyền thống đơn vị cùng với sự quyết tâm thi đua lập thành tích chào mừng 51 năm ngày thành lập Tổng công ty và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới”, năm 2013, Cienco 4 đã đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra, đời sống người lao động được đảm bảo; các dự án của ngành do Cienco 4 thự hiện đều đạt các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, an toàn. Một số dự án vượt tiến độ yêu cầu như: Dự án Vành đai 3 Hà Nội, công trình cầu Nguyễn Tri Phương, công trình sân bay Phú Bài, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP. Hà Tĩnh theo hình thức BOT, Gói thầu số 1 - Dự án đường nối Nhật Tân đi Nội Bài, Gói thầu số 9 - Long Thành Giầu Dây…
Về nhiệm vụ trong năm 2014, Tổng Giám đốc Cienco4 Lê Ngọc Hoa cho biết, sẽ sớm hoàn thành công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty, tiếp tục bổ sung, sửa đổi hệ thống quy chế quản lý cho phù hợp với mô hình tổ chức của công ty cổ phần, phù hợp với mục tiêu phát triển của Tổng công ty; quyết liệt chỉ đạo điều hành sản xuất trên các công trường hoàn thành kế hoạch năm 2014 đề ra; tiếp tục phát huy tốt những công nghệ thi công hiện là thế mạnh của Tổng công ty trong thi công; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng , phát triển thương hiệu; chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Tổng Giám đốc Cienco4 Lê Ngọc Hoa đề nghị Bộ GTVT có cơ chế hỗ trợ các đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn do chậm thanh toán ở các dự án thiếu vốn; có cơ chế và hướng dẫn, chỉ đạo các Ban QLDA và các nhà thầu đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng, thanh toán trượt giá và các thủ tục bổ sung phát sinh, điều chỉnh hợp đồng; có cơ chế chỉ định thầu một số gói thầu, dự án do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ thi công, với tiêu chí giá thành tiết kiệm, đảm bảo chất lượng công trình; tạo điều kiện để Cienco 4 được tham gia các dự án do Bộ làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý tài trọng các phương tiện giao thông trên Quốc lộ 1 để tránh tình trạng đường mới thi công mà đã hư hỏng gây ảnh hưởng, thiệt hại cho nhà thầu…
theo: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện