Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp về các Dự án nâng cấp QL22B, QL26 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh)

Thứ hai - 19/05/2014 13:00. Xem: 120
Chiều 20/5, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về báo cáo đầu kỳ Dự án đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ (QL) 22B đoạn từ thị trấn Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát (tỉnh Tây Ninh); Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh); Dự án nâng cấp QL26 đoạn Km2-Km10 (tỉnh Khánh Hòa) và nâng cấp, mở rộng QL26 đoạn Km91+383 - Km98+800 (tỉnh Đắk Lắk).

 Dự án nâng cấp, cải tạo QL22B đoạn thị trấn Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đã được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh với chiều dài khoảng 84km, tổng mức đầu tư 755,650 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, Dự án được giãn tiến độ sau năm 2015 theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT thống nhất chủ trương tiếp tục nghiên cứu đầu tư Dự án bằng hình thức Hợp đồng BOT, đồng thời giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Ban Quản lý dự án 7 phối hợp với các Nhà đầu tư có quan tâm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện đầu tư Dự án đúng quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp về các dự án nâng cấp QL22B, QL26 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh)

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho biết, Dự án có điểm đầu tại Km0+053 vị trí nút giao ngã 3 giao với đường Xuyên Á (QL22), thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu; điểm cuối tại Km84+162 khu vực cửa khẩu Xa Mát nối Campuchia, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh); tuyến đi qua địa bàn các huyện Gò Dầu, Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên và TP Tây Ninh; với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 60km/h. Đơn vị Tư vấn kiến nghị Bộ cho phép đầu tư bổ sung nâng cấp tuyến Xuyên Á đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh (Km30+250 - Km58+250) vào trong Dự án QL22B theo hình thức BOT.

Về Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam cho biết, qua số liệu điều tra thu thập được, luồng hàng hóa từ khu vực TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh đang tăng nhanh. Lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc đến năm 2040 đạt mức cao nhất 62.017 PCU/ngày đêm, do đó đến năm 2020 cần phải xây dựng tuyến cao tốc với quy mô tối thiểu là 4 làn xe và sau năm 2040 tiếp tục mở rộng tuyến đường này thành 6 làn xe. Hình thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ phát huy lợi thế các tuyến cao tốc và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp về các dự án nâng cấp QL22B, QL26 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh)

QL22 qua địa phận tỉnh Tây Ninh

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 22B đoạn thị trấn Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh là cần thiết nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo lưu thông cho các phương tiện trên QL22B, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tây Ninh nói riêng và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Thứ trưởng yêu cầu Tư vấn phải lập luận rõ hơn về sự cần thiết, tính phù hợp đầu tư tuyến đường (QL22B đoạn qua thị trấn Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát và QL22 đi qua tỉnh Tây Ninh) theo hình thức BOT; tiến hành điều tra khảo sát hiện trạng tuyến đường, cập nhật lại lưu lượng xe tham gia giao thông, tải trọng; đặc biệt khảo sát kỹ, quy mô hợp lý, đưa ra các giải pháp kỹ thuật tăng cường mặt đường.

Đối với Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), Thứ trưởng yêu cầu trên cơ sở báo cáo đầu kỳ sẽ lập Dự án đề xuất kêu gọi đầu tư; về cơ bản thống nhất về phạm vi nghiên cứu của Dự án là tuyến cao tốc có điểm đầu tại TP Hồ Chí Minh, điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); tuy nhiên cần xem lại cuối tuyến, tổ chức giao thông trên tuyến, đặc biệt là các vị trí nút giao cắt với các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt… Bên cạnh đó, xác định quy mô theo quy hoạch, tính toán phân kỳ đầu tư theo kịch bản khác nhau, tối thiểu khai thác quy mô hạn chế nhất, phân kỳ triệt để, theo hướng 2 làn chính và 2 làn phụ, quy mô làn giảm đi (3,5m). Thứ trưởng cũng yêu cầu Tư vấn đề xuất cụ thể về hành lang, giảm thiểu tối đa mức đầu tư; đồng thời giao Ban PPP rà soát lại các nội dung, duyệt đề xuất và tiến hành kêu gọi đầu tư Dự án.

Về Dự án nâng cấp QL26, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA 5 phối hợp với Tổng cục ĐBVN làm việc với địa phương về hiện trạng tuyến đề xuất đầu tư, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn Dự án, làm cơ sở nghiên cứu đề xuất phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư, phương án tài chính Dự án thực hiện đầu tư Dự án theo hình thức BOT; đồng thời tiến hành nghiên cứu khảo sát, cập nhật hiện trạng tuyến và căn cứ nội dung làm việc với địa phương, hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất phương án đầu tư phù hợp.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây