Cao tốc hai làn hấp dẫn nhà đầu tư BOT

Thứ tư - 21/05/2014 13:00. Xem: 134
Trong khi nguồn vốn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, việc các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án cao tốc hai làn (tiền cao tốc) là tín hiệu tích cực để phát triển hạ tầng giao thông. Bộ GTVT cũng đang rốt ráo thúc đẩy nhiều dự án BOT xây dựng các tuyến cao tốc hai làn để sớm triển khai trong thời gian tới. 

 Nhiều dự án chờ khởi công


Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT), tới đây, nhiều dự án cao tốc hai làn được đầu tư bằng nguồn vốn BOT có thể triển khai như: Thái Nguyên - Chợ Mới; Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt; Biên Hòa - Vũng Tàu; Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ… Trong số đó, dự án Thái Nguyên - Chợ Mới có thể triển khai ngay vào tháng 8/2014. 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Nguyên nhân chính do hệ thống hạ tầng giao thông khó khăn. Do đó, việc đầu tư tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới rất có ý nghĩa. “Trong khi kinh phí ngân sách không có, việc kêu gọi nguồn vốn BOT là một hướng đi phù hợp. Với việc kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến đường này được xem là “cánh cửa” đánh thức tiềm năng phát triển của địa phương” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 
 
Để bảo đảm việc thực hiện các dự án đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa yêu cầu Vụ KHCN nhanh chóng hoàn thành bộ tiêu chuẩn, qui chuẩn về đường cao tốc hai làn để có thể áp dụng thống nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị thẩm định phải xác định chính xác năng lực tài chính, thi công và quản lý dự án của các nhà đầu tư. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Bộ phải lưu ý loại bỏ các trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, chỉ đăng ký để “xí phần” lấy phần trăm, chia chác.

Theo phương án, tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) sẽ đi theo QL3 mới có chiều dài 40,7km và đoạn đi qua QL3 cũ là 25km. Trước mắt, giai đoạn 1 của tuyến đường đi theo QL3 mới sẽ được xây dựng hai làn xe, theo tiêu chuẩn cao tốc với tốc độ 60 - 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.150 tỷ đồng. Hiện, Bộ GTVT đã thông qua báo cáo đầu kỳ, dự kiến trình Chính phủ vào đầu tháng 6/2014 và sẽ khởi công vào tháng 8/2014. 

Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết: “Tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, không cho xe máy đi vào. Cứ khoảng 6km sẽ có một đường gom và toàn tuyến có 36 cống chui thay vì làm cầu vượt để tiết kiệm kinh phí. Dự kiến trong giai đoạn 1 sẽ thiết kế hai làn để hướng tới giai đoạn 2 sẽ nâng lên 4 làn xe theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc”.

Hiện TEDI cũng đang lập dự án Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt. Dự kiến dự án sẽ có hai làn xe và thực hiện bằng nguồn vốn BOT. Cùng với đó, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến dài 77,8km cũng được đề nghị phân kỳ đầu tư với quy mô mặt cắt ngang hai làn xe. Tổng mức của cả dự án khoảng gần 20.000 tỷ. 

Ngoài ra, Tổng Công ty Cửu Long cũng đang chuẩn bị triển khai dự án Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ với chiều dài khoảng 92km. Giai đoạn 1, dự án cũng sẽ đầu tư hai làn xe cao tốc theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư khoảng 13.691 tỷ đồng. 
 
 
  •  
Nhiều tuyến cao tốc hai làn sẽ được đầu tư bằng nguốn vốn BOT
Nhiều tuyến cao tốc hai làn sẽ được đầu tư bằng nguốn vốn BOT
 
 
 
Giải bài toán hấp dẫn nhà đầu tư 

Một trở ngại đối với chủ trương thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào các dự án cao tốc hai làn là việc tạo được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, lời giải gần như đã có đáp án. 

Đối với dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, ngay từ khi công bố, liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) và Công ty CP đầu tư Tuấn Lộc đã đăng ký tham gia. Theo Ban PPP, hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đang được thực hiện để có thể ký tắt hợp đồng dự án trước ngày 15/8 và dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 8/2014.  

Tương tự, dự án Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt cũng đã nhận được sự quan tâm của gần 10 nhà đầu tư, trong đó có nhiều thương hiệu mạnh như: CIENCO1, Thăng Long; Thái Sơn, Phúc Lộc, POSCO (Hàn Quốc)...

Tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã có hai nhà đầu tư nộp hồ sơ là Công ty Hiệp Phúc và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị (IDICO). Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện cũng đã có tới 7 nhà đầu tư đề xuất tham gia dự án. 

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, việc các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT cao tốc giúp cho Bộ GTVT có thêm nhiều sự lựa chọn để đảm bảo các yêu cầu về mặt tài chính cũng như năng lực thi công. Điều khiến các nhà đầu tư này hào hứng với việc đầu tư các dự án cao tốc hai làn là do có sự rõ ràng và hợp lý trong các phương án về tài chính, vị trí đặt trạm thu phí và thời gian thu phí. 
 
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây