Hàng loạt dự án giao thông “khát” vốn đối ứng

Thứ năm - 19/03/2015 13:00. Xem: 91
Các công trình giao thông sử dụng vốn ODA đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đối ứng.

 

91

Để có công trình cầu Nhật Tân kỳ vĩ và đưa vào khai thác đúng thời điểm, Bộ GTVT đã phải xoay xở thu xếp nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB Ảnh: K.Linh

Các công trình giao thông sử dụng vốn ODA đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đối ứng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ GPMB cũng như triển khai thi công, hoàn thành dự án đúng kế hoạch, tiến độ.

Vốn xây lắp có sẵn, vốn đối ứng nhỏ giọt

Những năm gần đây, ngành GTVT đã thu hút được một lượng vốn khổng lồ lên tới 160 nghìn tỷ đồng từ khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm với quy mô và tổng mức đầu tư lớn như: Cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài, các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện… thì nguồn vốn ODA và vay thương mại từ các nhà tài trợ vẫn giữ vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, do tình hình thu xếp vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu nên hầu hết các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn ODA đều lâm vào cảnh vốn xây lắp có sẵn, nhưng thiếu mặt bằng thi công. Điển hình như cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc VN (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 31 nghìn tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn ODA Nhật Bản. Theo thông tin từ chủ đầu tư, đến nay, nguồn vốn xây lắp của dự án đã được nhà tài trợ đáp ứng đầy đủ, các nhà thầu thực hiện đến đâu được giải ngân đến đó. Tuy nhiên, phần vốn đối ứng trong nước được cấp nhỏ giọt và không đáp ứng yêu cầu dự án.

Chủ đầu tư tự “cứu” mình

Trong khi chờ đợi nguồn vốn đối ứng được phân bổ, chủ đầu tư một số dự án đã phải tìm cách tự “cứu” lấy mình. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, tại hai siêu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho áp dụng cơ chế đặc thù. Theo đó, VEC được phép lấy nguồn vốn tự có của doanh nghiệp để ứng trước phần vốn đối ứng bị thiếu hụt nhằm giảm bớt khó khăn cho công tác GPMB của dự án.

Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Từ tháng 6 đến tháng 9/2014, nguồn vốn đối ứng của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị thiếu trầm trọng. VEC đã ứng ra 571 tỷ đồng khắc phục phần nào khó khăn cho công tác GPMB của dự án”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, theo cam kết hợp đồng với nhà tài trợ, trong năm 2014 toàn bộ phần GPMB (sử dụng vốn đối ứng trong nước) của dự án Bến Lức - Long Thành sẽ phải hoàn thành. Thế nhưng đến nay, công tác này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu vốn đối ứng. Cụ thể, năm 2014, dự án cần 2.729 tỷ đồng vốn đối ứng nhưng chỉ được bố trí 954 tỷ đồng. Tương tự, nhu cầu vốn đối ứng của dự án trong năm 2015 cần 1.850 tỷ đồng, hiện mới được cấp 200 tỷ đồng. “Thiếu vốn đối ứng làm ảnh hưởng đến tiến độ đền bù GPMB, dẫn tới dự án không có mặt bằng sạch để ADB chấp thuận khởi công các gói thầu này”, ông Quang cho hay.

Một dự án cao tốc lớn khác do VEC làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng “khát” vốn đối ứng là Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, năm 2014, dự án cần được cấp 2.600 tỷ đồng vốn đối ứng để hoàn thành toàn bộ công tác GPMB nhưng đến nay, nguồn vốn này vẫn còn thiếu tới 1.479 tỷ đồng. Điều này khiến mặt bằng của dự án ở nhiều khu vực vẫn còn dang dở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết: “Các địa phương đều đã có sẵn phương án đền bù GPMB nhưng tiền vốn đối ứng cho dự án đang thiếu trầm trọng. Điều này làm cản trở tiến độ thi công của các gói thầu bởi nhiều đơn vị nhà thầu không có mặt bằng sạch để triển khai”.

Ngoài những công trình chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2015 đang thiếu vốn đối ứng, hàng loạt các dự án giao thông dự kiến hoàn thành trong năm nay cũng đang “ngóng” nguồn vốn này như: Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia (giai đoạn 1), dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (hợp phần đường sông),...

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhằm khắc phục thực tế trên, mới đây sau khi rà soát tiến độ, tình hình triển khai, thực hiện các dự án Bộ GTVT đã có báo cáo trình Chính phủ về nhu cầu kế hoạch vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2015 do Bộ GTVT trực tiếp quản lý.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đối ứng để thực hiện các dự án ODA của Bộ GTVT năm 2015 (không bao gồm số phải hoàn trả ứng trước kế hoạch) là 10.826 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã được giao kế hoạch 5.664 tỷ đồng. “Tuy nhiên, sau khi trừ số thu hồi ứng trước kế hoạch 3.008 tỷ đồng, số kế hoạch thực tế để thực hiện chỉ có 2.656 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn đối ứng năm 2015 cho các dự án ODA của Bộ GTVT còn thiếu là 8.170 tỷ đồng cho 39 dự án”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

92
Các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang tranh thủ đẩy nhanh tiến độ khi có mặt bằng sạch - Ảnh: Dương Hằng Nga

Nguy cơ dự án chậm tiến độ, trượt giá

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, vốn đối ứng chủ yếu dùng để phục vụ công tác GPMB và thuế cho các dự án sử dụng nguồn vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài. “Nếu nguồn vốn đối ứng bị thiếu sẽ dẫn đến công tác GPMB của dự án bị chậm”, ông Hoằng khẳng định.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng cảnh báo, vốn đối ứng không đáp ứng nhu cầu của dự án sử dụng vốn vay ODA dẫn tới thời gian thi công kéo dài, dự án bị chậm tiến độ. Điều này kéo theo hệ luỵ, nhà thầu “kiện ngược” lại chủ đầu tư bồi thường chi phí trượt giá do chậm bàn giao mặt bằng như đã từng xảy ra tại dự án cầu Nhật Tân.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, việc thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch triển khai các dự án của chủ đầu tư, nhà thầu. Trong các năm trước, Bộ GTVT phải áp dụng các giải pháp “bất đắc dĩ” là cân đối chuyển từ dự án này sang dự án khác, ưu tiên vốn đối ứng cho những dự án, trọng điểm, cấp bách. Tuy nhiên, việc này giờ không thể làm được bởi công tác quản lý tài chính, dòng tiền tại các dự án được triển khai rất chặt. “Giờ ngoài việc đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan bổ sung sớm thì chẳng có giải pháp nào khác”, ông Sanh nói.

Liên quan đến nguồn vốn đối ứng cho các dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định: “Bố trí vốn đối ứng đầy đủ cho các dự án ODA là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tiến độ của dự án. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi nếu không giải quyết được vốn đối ứng, công tác GPMB sẽ gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, từ đó dẫn tới trượt giá, làm tăng tổng mức đầu tư”.

Trong cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm cuối tháng trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định: “Đối với những tuyến đường cao tốc chỉ cần đưa vào khai thác sớm một đoạn cũng rất quý và ý nghĩa. Năm nay, ngành GTVT dự kiến khởi công và khánh thành 170 công trình, dự án, nếu không bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các dự án, sẽ rất khó để hoàn thành kế hoạch đề ra”.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây