Không đồng ý CIPM “xin lại” quản lý cao tốc TP HCM-Trung Lương

Thứ ba - 30/06/2015 13:00. Xem: 99
CIPM lại vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN đề nghị giao nhiệm vụ quản lý, khai thác TP HCM-Trung Lương.

 

36
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) lại vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN đề nghị giao nhiệm vụ quản lý, khai thác đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Giải thích về lý do “xin lại” này, ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc CIPM cho rằng, hiện nay, công tác quản lý, khai thác đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được giao cho hai đơn vị quản lý là Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) quản lý, bảo trì các hạng mục công trình và CIPM quản lý hợp đồng mua bán quyền thu phí và các dự án đang triển khai trên tuyến hoặc liên quan đến tuyến cao tốc này.

Nghị định 10 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: “Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ là chủ thể được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ gồm: Khu QLĐB (nay là Cục QLĐB khu vực); Sở GTVT; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị được Bộ, cơ quan T.Ư, UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản hạ tầng đường bộ”; Nghị định 32 năm 2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc quy định: “Cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư”.

Cụ thể, trong công văn gửi Tổng cục Đường bộ VN, CIPM cho rằng, đơn vị này đang triển khai 7 dự án liên quan đến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương như: Quản lý Hợp đồng mua bán quyền thu phí; Dự án mở rộng trạm thu phí và lắp đặt thu phí không dừng, xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS)... Theo ông Minh, với việc phân chia công tác quản lý tuyến đường như hiện nay đang có nhiều bất cập, dẫn đến hạn chế tính chủ động khi giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác.

“Một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến cao tốc này như: Hệ thống chiếu sáng không đầy đủ, vấn đề vệ sinh đường, công tác tổ chức đảm bảo ATGT... là các nguyên nhân được CIMP cho rằng, đã ảnh hưởng đến việc thu phí, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp”, ông Minh cho biết.

Một lý do khác được CIPM đưa ra là việc tiếp nhận thông tin phản ánh tại các trạm thu phí không đồng bộ với đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường dẫn đến việc tiếp nhận và xử lý thông tin chậm.

Tuy vậy, trong công văn báo cáo Bộ GTVT, viện dẫn một số cơ sở pháp lý liên quan vai trò cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, khai thác đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Tổng cục Đường bộ VN khẳng định: “Cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Tổng cục đang được Bộ GTVT giao quản lý, khai thác là đúng quy định.

Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, CIPM là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên không có chức năng quản lý nhà nước và quản lý tài sản tuyến cao tốc này.

“Trường hợp CIPM muốn tham gia thực hiện khai thác, bảo trì tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương thì CIPM có thể tham gia đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch của Tổng cục”, công văn của Tổng cục nhấn mạnh.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây