Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những dự án đầu tư theo hình thức BOT được Bộ GTVT chủ động mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán - Ảnh: Mạnh Thắng |
Hôm qua (22/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về công tác rà soát, thanh tra, kiểm toán các dự án thuộc công trình nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) và các dự án BOT, BT do Bộ GTVT trực tiếp quản lý.
Chủ động thanh tra để chấn chỉnh bất cập
Ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang triển khai 78 dự án đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, 24 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác, còn lại 54 dự án đang trong giai đoạn đầu tư.
Theo ông Huy, từ tháng 3/2014, Bộ GTVT đã thành lập hai tổ rà soát thủ tục đầu tư và dự toán xây dựng 46 dự án BOT, gồm 22 dự án trên QL1, QL14 và 24 dự án khác nhằm chấn chỉnh và nâng cao công tác quản lý đầu tư của các dự án BOT. “Đối với 22 dự án trên QL1, QL14 đã hoàn thành công tác rà soát dự toán từ tháng 12/2014. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Ban QLDA, nhà đầu tư và tư vấn rà soát, điều chỉnh lại dự toán đã phê duyệt cho phù hợp”, ông Huy nói và cho biết, 24 dự án ngoài QL1, QL14 cũng đang được tiến hành rà soát về thủ tục đầu tư và dự toán xây dựng.
"Tất cả các dự án BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác phải khẩn trương tiến hành công tác quyết toán để ký hợp đồng điều chỉnh chính thức với nhà đầu tư, nhằm xác định thời gian thu phí. Sau 6 tháng đưa vào hoạt động những dự án BOT chưa hoàn thành công tác quyết toán dứt khoát sẽ phải dừng thu phí”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán các dự án BOT, ông Huy cho biết, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã và đang kiểm tra 40 dự án. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra 13 dự án; Thanh tra Bộ Kế hoạch – Đầu tư thanh tra 17 dự án trên QL1; Thanh tra Bộ GTVT đang tiến hành thanh tra 6 dự án, gồm hai dự án QL1 và bốn dự án QL14. Đặc biệt, Bộ GTVT đã chủ động mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán toàn bộ các dự án BOT, BT đang triển khai. Đến nay, cơ quan này đã có kết luận kiểm toán của bốn dự án gồm hai dự án qua Quảng Trị, dự án QL5 Hà Nội – Hải Phòng và dự án QL18 đoạn Uông Bí – Hạ Long.
“Qua kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán cho thấy, nhiều nội dung đã được nêu trong báo cáo rà soát nội bộ và được các tổ rà soát kiến nghị điều chỉnh nhưng chưa được các Ban QLDA chỉ đạo và nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, một số Ban QLDA, nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thanh tra để cung cấp hồ sơ, giải trình nên nhiều nội dung các cơ quan thanh tra coi là tồn tại, sai sót”, ông Huy nói.
QL14 có bốn dự án được Thanh tra Bộ GTVT đang tiến hành thanh tra - Ảnh: Minh Thi |
Dự án không quyết toán sẽ dừng thu phí
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các nhà đầu tư, ban QLDA trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Bộ trưởng, cùng với các nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, việc huy động vốn của các doanh nghiệp để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong những năm qua đã làm thay đổi bộ mặt giao thông. Ghi nhận nỗ lực cố gắng trong việc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng của các công trình, song Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị phải rút kinh nghiệm về một số vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư các dự án. “Rõ ràng khi chúng ta làm nhanh để đưa công trình vào khai thác sớm, đương nhiên không thể tránh khỏi một số sai sót như việc áp dụng định mức, đơn giá một số dự án còn chưa chuẩn, trình tự thủ tục còn thiếu”.
“Ngay từ đầu năm 2014, Bộ GTVT đã chủ động mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán tất cả các dự án BOT, TPCP thuộc dự án QL1, QL14 để giúp chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, mục tiêu của Bộ GTVT là phải đưa được những công trình hạ tầng giao thông tốt nhất vào sử dụng phục vụ phát triển KT-XH, nhưng các công trình này phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhất là các dự án BOT.
“Tất cả các dự án BOT phải được quản lý chặt như dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và TPCP, bởi các dự án BOT cũng là tiền của người dân đóng góp thông qua hình thức mua phí sử dụng đường bộ”, Bộ trưởng nói và đề nghị các Thứ trưởng được phân công phụ trách tại các dự án phải trực tiếp chỉ đạo chấn chỉnh những tồn tại, bất cập để làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các Thứ trưởng làm việc với bộ, ngành liên quan để thống nhất quy định đối với loại phụ phí, ph ụ cấp, định mức, đơn giá,…
Đối với các ban QLDA, đơn vị tư vấn, Bộ trưởng yêu cầu phải trực tiếp làm việc và giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm toán. “Đây là việc hoàn toàn bình thường trong công tác quản lý Nhà nước. Quan trọng nhất là các ban QLDA, đơn vị tư vấn phải trực tiếp vào cuộc với tinh thần cầu thị, cái gì sai phải tiếp thu chấn chỉnh, vấn đề gì còn chưa thống nhất, kiên trì giải trình làm cho rõ”, Bộ trưởng yêu cầu và cho rằng, chi phí khắc phục sửa chữa đường bị hư hỏng do nhà đầu tư và nhà thầu chịu trách nhiệm. Nếu dự án nào không khắc phục những khiếm khuyết về chất lượng công trình, dứt khoát không cho thu phí.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu Ban PPP chủ động phối hợp với Cục QLXD&CLCTGT và các cơ quan liên quan đề xuất hoàn thiện các thể chế chính sách liên quan đến công tác đầu tư các dự án BOT cũng như các quy trình, quy phạm về xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành. “Chậm nhất trong tháng 10, Ban PPP phải báo cáo cụ thể dự toán tổng mức đầu tư ban đầu là bao nhiêu, quyết toán thực tế giá trị đầu tư của từng dự án BOT ra sao phải được công khai để người dân giám sát”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện