Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm chống hằn lún

Thứ tư - 23/09/2015 13:00. Xem: 118
Chiều 23/9, Trường đại học GTVT phối hợp với Trường Đại học Kyoto-Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế “Chất lượng mặt đường bê tông nhựa nóng - Kinh nghiệm quản lý và công nghệ của Nhật Bản”.

 

DSC_1659
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo quốc tế về chất lượng mặt đường bê tông nhựa nóng và kinh nghiệm quản lý và công nghệ của Nhật Bản

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, với các mục tiêu trọng tâm phát triển KCHT giao thông trong tương lai, trong đó mạng lưới giao thông đường bộ có chất lượng đang được Bộ GTVT quan tâm phát triển. Hiện nay, đã có 17.574/20.340 Km quốc lộ đã được rải nhựa và bê tông nhựa. Hàng năm, Bộ GTVT xây dựng hàng trăm km quốc lộ có lớp mặt bê tông nhựa. Ngoài mặt đường nhựa và bê tông nhựa chặt truyền thống, Bộ GTVT cũng quan tâm đến các công nghệ xây dựng và bảo trì các loại mặt đường bê tông nhựa cấp cao.

Theo Thứ trưởng Đông, trong thời gian qua, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa đã xảy ra cục bộ tại một số dự án xây dựng công trình giao thông, gây ảnh hưởng tới khả năng khai thác và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

DSC_1672
TS. Kazuyuki KUBO, Trưởng nhóm nghiên cứu về mặt đường thuộc Viện nghiên cứu công chính PWRI Nhật Bản trình bày tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Kazuyuki KuBo (Trưởng nhóm nghiên cứu mặt đường Viện nghiên cứu công chính PWRI) cho biết, do điều kiện khí hậu, địa lý, máy móc, yếu tố xã hội… hư hỏng mặt đường của các công trình vẫn xảy ra, ngay cả khi công tác xây dựng được thực hiện với vật liệu tốt nhất, thi công trong điều kiện tốt nhất. Do vậy kỹ sư mặt đường ở mỗi nước cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trên cơ sở kinh nghiệm của họ.

Còn TS. Hiromitsu Nakanishi (Công ty TAIYU Kensetsu Co., Ltd) cho rằng, từ các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, nguyên nhân xảy ra hằn lún là do các đơn vị thi công chỉ sử dụng vật liệu sàng nhỏ, dễ bị biến dạng dẻo, chảy dẻo mặt đường bê tông nhựa (BTN) dẫn đến hằn lún. Từ những nguyên cứu này, có thể áp dụng công nghệ BTN Polymer để giải quyết hằn lún mặt đường. Trong đó, Polymer Modified Asphalt (nhựa Polymer cải tiến) là chất dùng cho hỗ hợp BTN được tạo ra bằng cách trộn các phụ gia vào nhựa đường thường. Polymer làm tăng khả năng ổn định nhiệt và cải thiện độ dính kết của nhựa. Từ đó sẽ cải thiện đặc tính mặt đường, như khả năng kháng hằn lún và chống nứt.

DSC_1661
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, cơ quan đơn vị trong ngành GTVT

Lý giải về điều này, đại diện nhóm nghiên cứu mặt đường của Nhật Bản cho biết, trước kia ở Nhật Bản quan tâm kiểm soát chất lượng rất chi tiết từ tất cả các nguyên vật liệu. Tuy nhiên, việc kiểm soát như vậy chủ đầu tư rất khó khăn. Vì thế, thay vì kiểm soát chi tiết, Nhật Bản chỉ kiểm soát đến công đoạn cuối cùng đó là bê tông nhựa trạm trộn. Để bảo đảm khách quan và độc lập, Nhật Bản đã làm hợp đồng với các đơn vị tự vấn, đơn vị tư vấn thông qua hợp đồng sẽ làm rõ nội dung kiểm tra và mức độ kiểm tra, sau đó sẽ thực hiện kiểm tra trạm trộn và điền thông tin vào các phiếu để gửi cho chủ đầu tư. Nhà thầu Nhật Bản phải bảo hành công trình đã thi công từ 5 đến 10 năm. Nếu xảy ra các vấn đề lún, nứt, nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Ở Nhật Bản, nhà thầu có cả viện nghiên cứu, nên họ có nhiều kinh nghiệm để kiểm soát được từ khâu thiết kế.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông biểu dương Trường Đại học GTVT, Đại học Tổng hợp Kyoto - Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo rất ý nghĩa.

“Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là một trong các nguồn tham khảo quan trọng giúp Bộ GTVT định hướng triển khai ứng dụng các kết cấu mới, vật liệu mới, công nghệ mới, tiên tiến trong thời gian tới vào công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nói.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây