Các gói thầu bảo trì trên Quốc lộ 6, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới, đang được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo thi công khẩn trương, trong đó công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), an toàn giao thông (ATGT) và vệ sinh môi trường (VSMT) và đảm bảo chất lượng, mỹ quan công trình cần phải đặc biệt quan tâm. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 3, Tư vấn, Nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ yêu cầu chủ động kiểm tra hiện trường, chỉ đạo Ban QLDA 3, Tư vấn, Nhà thầu thực hiện nghiêm túc các văn bản, Chỉ thị của Bộ GTVT về công tác quản lý chất lượng, ATLĐ, ATGT, VSMT.
Đồng thời, chấn chỉnh ngay các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đơn vị Tư vấn giám sát, Nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về công tác quản lý chất lượng, ATLĐ, ATGT, VSMT. Áp dụng biện pháp thay thế ngay các cán bộ Tư vấn giám sát không đáp ứng về năng lực, yêu cầu theo quy định; Rà soát, kiểm tra lại các đoạn tuyến đã được đầu tư từ nguồn vốn khác, đã sửa chữa mặt đường, tránh việc đầu tư trùng lặp giữa các dự án, gây lãng phí…
Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án 3 bố trí đầy đủ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm bám sát hiện trường để điều hành dự án tuân thủ quy định, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại hiện trường; Thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với các gói thầu của Dự án theo Chỉ thị số 23/CT-BGTVT ngày 11/11/2014 của Bộ GTVT, đảm bảo giao thông trên tuyến được thông suốt, tuyệt đối an toàn và công tác vệ sinh môi trường luôn luôn được đảm bảo.
Mặt khác, tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án tổ chức thi công, phương án đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, tiến độ thi công tổng thể trên toàn dự án làm cơ sở theo dõi, giám sát, chỉ đạo, điều hành Dự án; Kịp thời chấn chỉnh các chủ thể tham gia dự án, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, nhằm đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ dự án.
Đối với Tư vấn giám sát, Bộ yêu cầu rà soát, kiểm tra tình trạng mặt đường cũ, xác định các vị trí hư hỏng, để chỉ đạo Nhà thầu phải xử lý triệt để trước khi chuyển giai đoạn thi công các lớp kết cấu tiếp theo; Chỉ đạo Nhà thầu thi công dứt điểm từng đoạn một, không để tình trạng chênh cao giữa lớp BTN mới và đường cũ, gây mất ATGT; lưu ý xử lý các mối nối đảm bảo chất lượng; khi dừng thi công mỗi ngày phải vuốt nối đảm bảo êm thuận.
Mặt khác, kiểm tra lại công tác thi công tưới dính bám trên toàn tuyến, do điều kiện thi công trên đường đang khai thác, việc đảm bảo giao thông gặp nhiều khó khăn do đó nghiên cứu sử dụng loại vật liệu phù hợp, rút ngắn thời gian; đồng thời TVGS phải kiểm soát chặt chẽ trước khi thi công BTN, không để xảy ra tình trạng tưới nhựa chưa đạt yêu cầu như ở đoạn tuyến qua đèo Thung Khe; Rà soát, kiểm tra lại toàn bộ máy móc, thiết bị thi công trên công trường, yêu cầu Nhà thầu bổ sung máy móc, thiết bị tuân thủ hợp đồng đã ký kết và tuân thủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT để khắc phục hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe”, bổ sung máy cào bóc mặt đường BTN để thi công sửa chữa mặt đường cũ, bổ sung lu bánh lốp ≥25T; đưa lu rung vào thi công khi nhiệt độ khoảng 100 độC…
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu, Bộ yêu cầu tư vấn giám sát cử các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm đã từng tham gia giám sát các Dự án tương tự để theo dõi, giám sát Dự án. Trưởng tư vấn giám sát phải thường xuyên có mặt tại hiện trường để xử lý các vấn đề kỹ thuật, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường theo quy định. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào, bố trí kỹ sư có chuyên môn sâu về vật liệu để giám sát, thiết kế lựa chọn thành phần cấp phối bê tông nhựa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án.
Hiện nay khu vực Tây Bắc điều kiện thời tiết rất bất lợi, mưa nhỏ kéo dài. Vì vậy, TVGS chỉ đạo Nhà thầu phải có kế hoạch triển khai thi công hợp lý, từ việc vệ sinh mặt đường, tưới nhựa dính bám, thi công BTN, đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng công trình. Nghiêm cấm không được thi công BTN trong điều kiện thời tiết có mưa; không để xảy ra tình trạng tương tự như đã thực hiện ở vị trí khoảng km 164+700 - QL6, thuộc địa phận huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La (ngày 7/11/2015).
Đối với Nhà thầu thi công, Bộ yêu cầu các vị trí sửa chữa mặt đường cũ nhưng chưa triệt để, yêu cầu Nhà thầu khẩn trương đào bỏ và thi công lại đảm bảo chất lượng trước khi thi công các công việc tiếp theo; Nhiều vị trí trên tuyến độ bằng phẳng của mặt đường BTN kém, đặc biệt là các vị trí vào khu vực đường cong, độ dốc lớn (đoạn qua đèo Thung Khe; Thung Nhuối…), yêu cầu Nhà thầu phải rà soát lại dây chuyền thi công BTN (máy rải, hệ thống lu…), khẩn trương khắc phục ngay tình trạng nêu trên, đảm bảo chất lượng, mỹ quan công trình; Phải tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, chỉ cho phép thông xe sau 24h thi công xong BTN (hoặc có biện pháp để đảm bảo nhiệt độ mặt đường BTN sau khi thi công <50oC).
Nhiều vị trí sau khi thi công xong BTN lớp dưới nhưng chưa thi công BTN các lớp trên và hoàn thiện công tác sơn kẻ đường, do đó khi lưu thông vào buổi tối trên các đoạn đèo dốc rất dễ gây mất ATGT. Vì vậy, yêu cầu Nhà thầu phải tổ chức thi công dứt điểm từng đoạn một, thi công hoàn thiện các lớp BTN, hoàn chỉnh lớp BTN trên cùng và tiến hành sơn kẻ đường, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình khai thác.
Đồng thời bổ sung ngay các phòng thí nghiệm thí hiện trường, đảm bảo mỗi trạm trộn phải có 1 phòng thí nghiệm; vị trí trạm trộn, cự ly vận chuyển BTN, thời gian vận chuyển BTN hợp lý, đảm bảo tính kinh tế; Bố trí thi công vào thời gian hợp lý, tránh các giờ cao điểm, ngày cuối tuần lưu lượng xe lưu thông lớn, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Để đảm bảo An toàn giao thông, Bộ yêu cầu các đơn vị thi công bố trí đầy đủ các loại biển báo công trường, báo hiệu từ xa, cọc tiêu, từng vị trí thi công phải ghi rõ lý trình, tên đơn vị thi công, tên cán bộ điều hành, số điện thoại liên lạc đường dây nóng; Cắt cử các lực lượng làm công tác đảm bảo an toàn giao thông thường xuyên có mặt trên công trường để quản lý, duy trì tốt hệ thống cọc tiêu, biển báo an toàn giao thông và đèn báo hiệu về ban đêm, đặc biệt khi có tình trạng ách tắc giao thông, để phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, điều phối giao thông tránh ách tắc giao thông kéo dài, mất trật tự giao thông dẫn đến mất an toàn giao thông.
Bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông đầy đủ tại các vị trí thi công, đặc biệt là vào giờ cao điểm, dễ gây ách tắc giao thông. Bố trí xe cứu hộ để kịp thời xử lý các vụ tai nạn (nếu có) đảm bảo không gây ùn tắc giao thông.
Rà soát, chấn chỉnh lại toàn bộ công tác ATLĐ, ATGT, VSMT trên toàn Dự án, yêu cầu Tư vấn, Nhà thầu nghiêm túc thực hiện theo các quy định. Nếu các chủ thể tham gia Dự án không thực hiện, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 3, Tư vấn giám sát đình chỉ thi công và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo qui định.
Trong thời gian tới nếu trên phạm vi đoạn tuyến nào để xảy ra sự cố tai nạn giao thông do nguyên nhân vì biện pháp đảm bảo an toàn giao thông không đảm bảo thì người đứng đầu Ban Quản lý dự án 3 phải chịu trách nhiệm kỷ luật, các tổ chức Tư vấn giám sát và Nhà thầu sẽ bị cấm tham gia xây dựng công trình giao thông theo quy định hiện hành.
Nguồn: http://cucqlxd.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện