Cách nào huy động vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam?

Thứ tư - 31/05/2017 13:00. Xem: 70
Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến huy động vốn...      

 

1

Thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Xuân Huy

Để kêu gọi đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến việc huy động vốn, lãi suất vốn vay và lợi nhuận của nhà đầu tư...

Đóng vốn chủ sở hữu theo tiến độ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, trước tiên, cơ chế, chính sách huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án cần phải có những thay đổi so với quy định hiện hành. Các dự án đầu tư hạ tầng phần vốn chủ sở hữu rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp quy định, chủ sở hữu hoặc các cổ đông đều phải góp, thanh toán đủ trong vòng 90 ngày hoặc ngắn hơn kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

“Thực tế, nếu huy động vốn chủ sở hữu theo quy định này, một lượng vốn rất lớn đã huy động trong tài khoản của doanh nghiệp dự án nhưng chưa được sử dụng dẫn tới lãng phí nguồn lực và không phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Huy nói và cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Quốc hội chấp thuận quy định trong hợp đồng dự án, tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án theo quy định tại Nghị định 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.

"Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đây là cơ chế mới so với trước đây khi công tác đấu thầu được tiến hành sau khi duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án quan trọng quốc gia đảm bảo tiến độ và chất lượng”.

Ông Nguyễn Viết Huy
Phó vụ trưởng Vụ PPP - Bộ GTVT

Đồng thời, lãnh đạo Vụ PPP cũng chỉ rõ bất cập về cách tính lãi suất vốn vay để tính toán phương án tài chính của các dự án BOT thời gian qua. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính, mức lãi suất vốn vay không quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại đều cao hơn mức lãi suất quy định tại Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính.

“Để đảm bảo tính khả thi huy động vốn, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính được xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank để tính toán phương án tài chính ban đầu. Giá trị cuối cùng thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Huy nói và cho biết, qua tham vấn các tổ chức tư vấn nước ngoài, nhà tài trợ quốc tế và thực tiễn triển khai dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dầu Giây - Phan Thiết, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, các nhà đầu tư đều kỳ vọng và chỉ quan tâm đầu tư khi lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu tối thiểu đạt 15-17%.

“Các dự án BOT giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài, thông thường từ 20-25 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa lường trước mà nhà đầu tư phải chịu. Do vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để tính toán phương án tài chính ban đầu là 14%/năm, mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư xác định thông qua đấu thầu”, ông Huy chia sẻ.

 
 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cũng cho biết, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư quy định trong thời gian qua bị khống chế ở mức 11,5% là quá thấp. “Lợi nhuận phải được điều chỉnh tăng lên ít nhất là 14% mới có thể thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án BOT trên cao tốc Bắc - Nam”, ông Huỳnh nói và cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT về quy định lãi suất vốn vay là phù hợp với thực tiễn.

“Nếu áp dụng theo quy định Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính, chẳng doanh nghiệp nào vay được vốn tín dụng để đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam. Lãi suất phải thả nổi để thị trường quyết định, không thể chốt cứng như Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính. Tôi cho rằng, việc tính lãi suất vốn vay căn cứ vào lãi suất bình quân của 3 ngân hàng thương mại Nhà nước như kiến nghị của Bộ GTVT là phù hợp”, ông Huỳnh nói.

2

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Khánh Linh

Đề xuất lập gói tín dụng riêng

Đề cập đến việc huy động nguồn vốn tín dụng để đầu tư cao tốc Bắc - Nam, ông Huy cho biết, hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đến ngày 31/12/2017 là 50% và từ ngày 1/1/2018 là 40%.

“Việc tiếp tục huy động nguồn vốn dài hạn thị trường trong nước rất khó khả thi. Thực tế vừa qua, một số dự án khả thi về tài chính, tuy nhiên các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng nhưng đã có văn bản từ chối”, ông Huy nói và cho biết, đối với nguồn vốn tín dụng nước ngoài, để có thể huy động được, Chính phủ cần phải chấp thuận bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ.

“Trong trường hợp không chấp thuận được các bảo lãnh theo yêu cầu của các nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài, Chính phủ cần cho phép các tổ chức tín dụng trong nước khi cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam không tính trong tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng và các ngân hàng thương mại lớn được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước”, ông Huy cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh nói: “Các dự án trên cao tốc Bắc - Nam có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn. Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại dành riêng một gói tín dụng dài hạn cho dự án, bởi nếu gộp chung dự án này cùng với các dự án của những ngành nghề khác để tính chung tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay dài hạn của các ngân hàng theo quy định Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến các doanh nghiệp không thể vay được vốn tín dụng để đầu tư.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, Bộ GTVT chỉ giữ vai trò là cơ quan lập dự án đầu tư, còn lại việc quản lý, triển khai các dự án trên cao tốc Bắc - Nam sẽ giao cho các địa phương tổ chức thực hiện, ông Huy khẳng định: “Hiện nay, Bộ GTVT chỉ kiến nghị Quốc hội cơ chế đối với các dự án thành phần GPMB là giao cho các địa phương thực hiện theo quy định để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai. Đồng thời, để đảm bảo đồng nhất về tiến độ, chất lượng công trình, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện toàn bộ trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu”.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây