Sẽ đấu thầu “vốn mồi” chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Chủ nhật - 04/06/2017 13:00. Xem: 76
Các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo hình thức PPP sẽ được tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư.      

 

7

Thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Cienco4

Nhà đầu tư nào bỏ thầu với giá trị vốn hỗ trợ của Nhà nước (vốn mồi) thấp nhất sẽ được xem xét lựa chọn.

Tiến hành đấu thầu sau phê duyệt dự toán

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện quy trình đấu thầu các dự án trên cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). “Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án”, ông Huy nói và cho biết, đây là cơ chế hoàn toàn mới so với quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT thời gian qua.

“Trước đây, các quy định của pháp luật cho phép dự án BOT được tiến hành đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án phải thực hiện bài bản và chặt chẽ hơn. Các dự án sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở tính toán phương án tài chính mới tiến hành triển khai đấu thầu. Nhà đầu tư có thể thay đổi, điều chỉnh giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, áp dụng công nghệ mới và được hưởng hoặc chịu chi phí chênh lệch. Các cơ quan Nhà nước, thanh tra, kiểm toán không xem xét đến dự toán xây dựng công trình sau khi đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Huy chia sẻ.   

Theo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chia thành 20 dự án độc lập. Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2025), ưu tiên đầu tư xây dựng trước 713km trong giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư khoảng 130.216 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng và phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.

Về quy trình, sau khi dự án hoàn thành bước thiết kế kỹ thuật, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển để loại bỏ nhà đầu tư yếu kém. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, đảm bảo công khai, minh bạch để lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án. “Các dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam là những dự án quan trọng, có vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nên các nhà đầu tư được lựa chọn trong hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong đầu tư và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông”, ông Huy nói và cho biết, để khắc phục tình trạng có quá nhiều thành viên trong liên danh dễ dẫn tới tranh chấp pháp lý, khó thống nhất trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ quy định tối đa không quá 4 thành viên trong một liên danh nhà đầu tư.  

 
 

Theo ông Huy, các dự án thực hiện theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của nguồn vốn Nhà nước. Do đó, sau khi dự án được phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, các thông số về mức phí, lộ trình tăng phí, thời gian thu phí sẽ được chốt cứng, không thay đổi. Tiêu chí để đấu thầu sẽ là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Theo quy định, nhà đầu tư nào đáp ứng được năng lực tài chính, kỹ thuật và bỏ thầu với giá trị vốn Nhà nước hỗ trợ thấp nhất sẽ được xem xét, lựa chọn làm nhà đầu tư của dự án. Thời gian hoàn thành đấu thầu một dự án theo quy định hiện nay mất khoảng 300 ngày. Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội các cơ chế để đẩy nhanh thủ tục, trình tự ở tất cả các khâu, phấn đấu đến cuối năm 2018, sẽ triển khai xây dựng những dự án đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam.

Đề xuất đấu thầu EPC

Chia sẻ thêm về công tác đấu thầu, dưới góc độ nhà đầu tư đã và đang tham gia nhiều dự án BOT giao thông lớn như: Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin cho rằng, để lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam, cần tiến hành đấu thầu theo hình thức tổng thầu EPC. “Đây là giải pháp hợp lý nhất để phát huy hết quyền chủ động sáng tạo và kinh nghiệm quản lý thi công của nhà đầu tư cũng như các nhà thầu”, ông Khôi nói và cho biết, Nhà nước chỉ nên đưa ra khung tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến hành thanh tra, kiểm soát về tiến độ, chất lượng dự án.

“Giá trị vốn đầu tư thanh toán cho nhà đầu tư cần được xác định trên cơ sở giá trị trúng thầu, không xem xét đến giá trị dự toán, đồng thời giá trị quyết toán chi phí vốn đầu tư cũng cần phải căn cứ trên giá trị trúng thầu. Khi đó, nhà đầu tư làm tốt sẽ được hưởng lợi, làm kém phải chịu thua lỗ. Chỉ có như vậy, Nhà nước mới thu hút được các nhà đầu tư năng lực tốt, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Khôi nói.

Đồng tình với việc đấu thầu theo hình thức EPC, trong đó, giá trị quyết toán chi phí vốn đầu tư căn cứ trên giá trị trúng thầu, một lãnh đạo Tập đoàn CIENCO4 nói: “Công tác đấu thầu phải chặt chẽ, các thông số, chỉ tiêu không sai lệch nhiều với thực tế triển khai. Đồng thời, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc ngay từ đầu trong bước lập hồ sơ mời thầu để tránh những sai sót về sau”.

Lãnh đạo CIENCO4 cũng cho rằng, trong hồ sơ mời thầu, các cơ quan Nhà nước cần đưa ra nhiều khung tiêu chuẩn cho dự án, khi đó, nhà đầu tư nào trúng thầu và có các giải pháp thực hiện đạt các tiêu chuẩn yêu cầu, tiết kiệm hơn, nhà đầu tư đó hưởng lợi, nhà đầu tư nào làm lỗ phải chịu. Các dự án BOT thời gian qua áp dụng cơ chế thực thanh, thực chi khiến nhiều nhà đầu tư chưa phát huy sáng tạo, sáng kiến và áp dụng bí quyết công nghệ, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả đầu tư mà chủ yếu vẫn là những giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công truyền thống, bởi cái gì nhà đầu tư làm lợi thì Nhà nước cắt gọt, còn cái nào làm lỗ, nhà đầu tư chịu, dẫn tới nhiều doanh nghiệp nản lòng.

Đấu thầu sẽ chọn được nhà đầu tư năng lực

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) khẳng định, trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, hoàn toàn có thể tổ chức đầu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư uy tín thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP như cao tốc Bắc - Nam.

“Không có lý gì cả thế giới làm được mà mình lại không, nhất là thời điểm hiện tại, khung pháp lý về đấu thầu đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua, chính là việc phải thay đổi tư duy quyền lực Nhà nước, thay đổi để tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch”, ông Tăng nói. Theo ông Tăng, Luật Đấu thầu 2013 đã đưa vào một chương về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Trên cơ sở quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã ra đời, đáp ứng, tiệm cận với thực tế hơn. “Khung pháp lý được xây dựng, nhưng được thực hiện bởi các bộ, ngành, địa phương nên phải thay đổi nhận thức, thì mới mong triển khai thực hiện tốt chính sách về PPP”, ông Tăng nhận định.

Hoàng Ngân


 

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây