Dừng Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 theo hình thức BOT

Chủ nhật - 11/11/2018 12:00. Xem: 85
Ngoài việc không đảm bảo tính khả thi tài chính, nếu triển khai nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo – giai đoạn 2 theo hình thức BOT còn không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho tất các đối tượng sử dụng.

 

Kênh Chợ Gạo, đoạn qua Tiền Giang.

Kênh Chợ Gạo, đoạn qua Tiền Giang.

Bộ GTVT vừa có công văn số 12336/BGTVT – ĐTCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được dừng thực hiện dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 2 theo hình thức Hợp đồng BOT.

Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng thực hiện Dự án, Bộ GTVT kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đưa Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 vào Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Trường hợp không bố trí được nguồn vốn dự phòng trung hạn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2 trong dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (dự án SWLC) sử dụng vốn  vay WB.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Dự án có mục tiêu đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo, khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền nhằm tăng khả năng thông qua, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài.

Cụ thể, Dự án sẽ nạo vét nâng cấp 9,85km luồng phía Nam kênh Chợ Gạo; xây dựng 9,85km kè thảm đá phía bờ Nam kênh Chợ Gạo và 123 m kè tường đứng BTCT phía bờ Bắc đoạn thị trấn Chợ Gạo; xây dựng 9,86 km đường dân sinh, 3 cầu dân sinh và 14 cống thoát nước; lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên toàn tuyến kênh; xây dựng trung tâm điều hành, 02 trạm hướng dẫn, điều tiết thu phí và hệ thống nhận diện phương tiện.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 là 1.337 tỷ đồng, trong đó xây lắp 600 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 427 tỷ đồng; dự phòng 166 tỷ đồng; lãi vay 76 tỷ đồng; chi phí QLDA, tư vấn và chi phí khác 68 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ thu phí các phương tiện có tải trọng toàn phần > 300 tấn có hàng và không hàng, theo trọng tải được cơ quan đăng kiểm cấp và các phương tiện quy đổi; mức thu phí: 1.430 đồng/tấn/lượt tương đương 50 đồng/tấn/km; lộ trình tăng phí: 3 năm tăng phí 1 lần, mỗi lần tăng 7,5%. Thời gian thu phí hoàn vốn: 18 năm 2 tháng.

Do đây là dự án nâng cấp cải tạo tuyến luồng hiện có, trên cơ sở thực tiễn triển khai các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến đường quốc lộ theo hình thức BOT, để đảm bảo công khai minh bạch và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng, Bộ GTVT đã tổ chức lấy ý kiến các Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các doanh nghiệp vận tải (đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án). Kết quả tham vấn cộng đồng cho thaaysm 33% doanh nghiệp đề nghị giảm mức thu phí xuống còn 50%; 8% doanh nghiệp đề nghị tăng trọng tải phương tiện thu phí lên 400T (Dự án đã duyệt thu phí đối với tàu có tải trọng toàn phần > 300 tấn); 8% doanh nghiệp có ý kiến giảm trọng tải phương tiện thu phí xuống còn 200T và hạ mức phí xuống 1.200 đồng/tấn/lượt.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, phương án tài chính của Dự án điều chỉnh theo kết quả tham vấn này là không khả thi.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), trong đó yêu cầu: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu”.

Mặc dù, Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 là dự án đường thủy nội địa không phải là đối tượng bị điều chỉnh theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, tuy nhiên về hình thức đầu tư của Dự án cũng thực hiện nâng cấp cải tạo tuyến luồng hiện có nên sẽ có tác động tương tự như đối với các tuyến đường bộ.

Đặc biệt, do không thể công bằng tuyệt đối cho tất các đối tượng khi sử dụng dự án và tình hình an ninh trật tự tại một số trạm thu phí BOT đường bộ hiện đang phức tạp, vì vậy việc tiếp tục triển khai dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT sẽ tiềm ẩn mất an ninh trật tự.

Vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) hoàn thành nghiên cứu lập dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (dự án SWLC), phạm vi nghiên cứu bao gồm cả dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 2. Bộ GTVT đang xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương đối với thiết kế cơ sở Dự án SWLC để hoàn thiện Dự án.

Việc đầu tư Dự án bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ khuyến khích sử dụng phương thức vận tải thủy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy ưu điểm vượt trội về giá thành rẻ, khối lượng vận tải lớn, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế và đồng thời giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây