Rốt ráo đẩy tiến độ đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Chủ nhật - 25/11/2018 12:00. Xem: 84
Công tác triển khai đầu tư xây dựng các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang bước vào giai đoạn nước rút khi toàn bộ 11 dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi..      

 

1

Đầu quý I/2019, Bộ GTVT dự kiến bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, muộn nhất đến tháng 5/2019 sẽ có kết quả sơ tuyển (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

Chủ động chuẩn bị trước hồ sơ, rút ngắn tiến độ

Theo thông tin của Báo Giao thông, đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Dự kiến, thời gian thực hiện khoảng 6 tháng đối với hai dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, hoàn thành trong quý II/2019. Riêng đối với cầu Mỹ Thuận 2, thời gian thực hiện khoảng 9 tháng, hoàn thành trong quý III/2019. Còn lại, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, dự kiến thời gian thực hiện khoảng 9 tháng, hoàn thành cuối tháng 7/2019.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Thái, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, tiến độ thực hiện của dự án trong thời gian tới phụ thuộc chủ yếu vào công tác cắm cọc GPMB và thực hiện khảo sát thiết kế kỹ thuật. Chỉ khi nào phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật và dự toán, lúc đó dự án mới được tiến hành tổ chức đấu thầu.

Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, dự kiến cuối tháng 3/2019, các đơn vị sẽ bàn giao cọc GPMB cho các địa phương, chậm nhất đến tháng 9/2018 phê duyệt xong toàn bộ thiết kế kỹ thuật của các dự án”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, để chuẩn bị công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án theo hình thức PPP, thực hiện song hành với công tác thiết kế kỹ thuật các dự án, Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư. Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển hiện nay đang lấy ý kiến của các bộ, ngành. Dự kiến, đầu quý I/2019, Bộ GTVT bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư, muộn nhất đến tháng 5/2019 sẽ có kết quả sơ tuyển.

Cùng với việc sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị ngay hồ sơ mời thầu nhà đầu tư, thời gian chuẩn bị hồ sơ mời thầu khoảng 6,5 tháng và dự thảo hợp đồng khoảng 3 tháng. Đại diện Vụ PPP đánh giá đây là nội dung quan trọng nhất trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt đối với đấu thầu nhà đầu tư nước ngoài nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng vẫn khả thi về tiến độ. Tuy nhiên, tiến độ phê duyệt hồ sơ mời thầu phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt thiết kế, kỹ thuật dự toán”, ông Thái nói và cho biết, khi thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt, áp vào hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, sau khoảng 7 tháng, từ thời điểm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán có thể hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng.

Theo ông Thái, các công đoạn triển khai dự án đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành, toàn bộ thời gian hiện nay đều dự trù theo khung tối thiểu quy định, không thể rút ngắn được nữa. Chẳng hạn quy trình đấu thầu, nhanh nhất cũng phải mất 6 tháng trong trường hợp suôn sẻ. Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, thời gian qua, các cơ quan của Bộ GTVT đã chủ động chuẩn bị trước các thủ tục, hồ sơ, đến công đoạn nào là áp hồ sơ vào thực hiện luôn.

“Đơn cử như việc chuẩn bị mẫu hồ sơ mời thầu được tiến hành song song với công tác mời sơ tuyển, chỉ đợi đến khi dự án được phê duyệt xong thiết kế kỹ thuật, dự toán, cập nhật vào hồ sơ mời thầu là tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Thái nói và cho biết, dự kiến quý I/2020 bắt đầu triển khai xây dựng các dự án PPP, riêng 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan và cầu Mỹ Thuận 2) sẽ triển khai xây dựng trong năm 2019 và các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
 

2
8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn (Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Tạ Tôn

Địa phương sẵn sàng phương án GPMB

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, Bộ GTVT đã công bố với các địa phương về quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) của các dự án, kèm theo khung chính sách và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khung chính sách, khi tư vấn làm việc với địa phương đã chỉ ra ranh giới về GPMB. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã đồng ý theo hướng chủ động triển khai sớm. Đồng thời, tư vấn đã chuyển ranh giới và tọa độ GPMB để các địa phương chủ động xây dựng phương án chuẩn bị tổ chức đo đạc, sau khi có mốc chính thức sẽ tiến hành rải thửa.

“Ngay trong bước nghiên cứu khả thi, các ban QLDA và tư vấn đã bám sát và trích xuất ra được khối lượng GPMB, tái định cư cho từng dự án, chi tiết từng chủng loại đất của từng huyện, đủ cơ sở để UBND các tỉnh, thành trình HĐND thông qua kế hoạch sử dụng đất trong kỳ họp HĐND sắp tới để chuẩn bị thực hiện công tác đền bù, GPMB trong năm 2019. Đây cũng chính là giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB. Chúng ta chuẩn bị thủ tục từ trước, đến khi thiết kế kỹ thuật là tiến hành cắm cọc GPMB luôn”, ông Sơn nói.

Thanh Hóa là địa phương có 3 dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai trên địa bàn gồm: Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu, tổng chiều dài các dự án khoảng 98,76km đi qua 8 huyện: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, Tĩnh Gia. Ông Trần Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, các ban tập trung rà soát thực hiện các công tác GPMB các dự án.

“Trong tuần tới, các đơn vị sẽ bàn giao mốc giới từ tim đường cho địa phương quản lý. Dự kiến, đến tháng 3/2019, địa phương sẽ nhận cọc phạm vi của mặt bằng ngoài thực địa để tiến hành công tác GPMB”, ông Hải nói.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn. Ông Lê Đức Cường, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các huyện thành lập hội đồng bồi thường GPMB, chậm nhất đến 30/11 các huyện phải lập xong hội đồng. Về phía UBND tỉnh, từ tháng 5/2018 đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2019 để thực hiện.

“Riêng vấn đề bồi thường GPMB, Nghệ An đề nghị Bộ GTVT khi xây dựng khung giá bồi thường phải tính toán kỹ đảm bảo sự tương đồng về giá khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và các huyện. Đặc biệt, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo tiến độ GPMB nhanh nhất, đề nghị Bộ GTVT sau khi bàn giao hồ sơ GPMB, bàn giao mốc lộ giới thì chuyển tiền sớm để địa phương chi trả cho người dân”, ông Đức cho biết.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết, các hội đồng GPMB của địa phương đang chuẩn bị công tác GPMB dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Sở GTVT Ninh Bình đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thi công dự án ngay.

“Dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu số 7 khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công. Dự kiến, triển khai công tác khảo sát thiết kế từ tháng 12/2018, hoàn thành phê duyệt xong hồ sơ thiết kế, dự toán trong quý I/2019 và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp trong quý II/2019”, ông Hùng nói và cho biết, dự án sẽ khởi công xây dựng vào tháng 7/2019 và hoàn thành trong tháng 6/2021.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây