Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam: Thoát án phạt vì khác biệt quy định thầu phụ?

Thứ hai - 14/01/2019 12:00. Xem: 107
 Sự khác biệt giữa quy định trong nước về tỷ lệ thi công tối đa của thầu phụ với quy định của nhà tài trợ có thể giúp hàng loạt nhà thầu chính tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) thoát án phạt của Bộ Giao thông - Vận tải.

 Thảm bê tông nhựa tại Gói thầu RAI/ CP14.

Thảm bê tông nhựa tại Gói thầu RAI/ CP14.

 

Bán thầu?

Cuối tháng 9/2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành Thông báo số 463/TB-KTNN về kết quả kiểm toán tại Dự án VRAMP. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 301,7 triệu USD. Tính đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Dự án VRAMP đã chạy được một nửa thời gian và đang được cấp quyết định đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành đề xuất điều chỉnh dự án.

Bên cạnh các “hạt sạn” trong việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số gói thầu đã sử dụng nhà thầu phụ không nằm trong danh sách các nhà thầu phụ được chấp thuận trong hồ sơ dự thầu để thi công một phần việc hợp đồng với tỷ lệ lớn hơn 10%. Theo đó, gói thầu bị cho là vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu là RAI/CP14 với liên danh nhà thầu chính là Công ty Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn - Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông 1 (Trico).

Tại Gói thầu RAI/CP14, theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, đã có khoảng 47,4 tỷ đồng thuộc hạng mục thảm bê tông nhựa được liên danh Thi Sơn - Xuân Quang - Trico giao cho Công ty TNHH Long Nguyệt là nhà thầu phụ ngoài đăng ký với chủ đầu tư thi công, chiếm tới 36,2% giá trị hợp đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước ghi nhận, liên danh Thi Sơn - Xuân Quang - Trico đã có hành vi sang nhượng thầu trái phép, vi phạm khoản 8, Điều 89, Luật Đấu thầu. Theo đó, trong các hành vi bị cấm có việc nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên, hoặc dưới 10%, nhưng trên 50 tỷ đồng tính trên giá hợp đồng đã ký.

Hay chỉ mua nhựa, thuê máy?

Theo lý giải của PMU3, tại Gói thầu RAI/CP14, phần công việc của liên danh nhà thầu Thi Sơn - Xuân Quang - Trico có chiều dài khoảng 10,5 km, tổng khối lượng bê tông nhựa là 30.000 tấn, bình quân mỗi nhà thầu khoảng 10.000 tấn. Ngoài việc đây là khối lượng lượng quá ít để lắp trạm trộn, việc thi công hạng mục bê tông nhựa lại không cùng thời điểm, ở những vị trí khác nhau do mặt bằng Gói thầu bàn giao đứt quãng.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc PMU3 cho biết, 3 nhà thầu từng có phương án lắp đặt chung trạm trộn bê tông nhựa để “tự cung, tự cấp” cho RAI/CP14, nhưng không được chính quyền địa phương cấp phép do không có mặt bằng và sự phản ứng của người dân trước nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, các nhà thầu chính tại Gói thầu đã phải chuyển sang ký hợp đồng thầu phụ, sau đó mua bê tông nhựa của nhà cung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình là Công ty Long Nguyệt.

Tổng giá trị hợp đồng thầu phụ mà Thi Sơn - Xuân Quang - Trico ký với Long Nguyệt là 4,366 tỷ đồng (chiếm 2,36% giá trị hợp đồng), được PMU3 giải thích là để thảm thử, trước khi thảm đại trà. Hợp đồng này đã được thanh lý trước khi các bên ký  hợp đồng kinh tế thứ 2 theo hướng Long Nguyệt cung cấp thảm bê tông nhựa nóng và cho thuê dây chuyền rải, 3 nhà thầu chính bố trí nhân sự để trực tiếp thi công, thực hiện nghiệm thu và chịu trách nhiệm bảo hành công trình theo hợp đồng với chủ đầu tư.

“Bản chất là nhà thầu chính chỉ mua sản phẩm bê tông nhựa và thuê thêm máy móc thiết bị để thực hiện một phần công việc được giao. Ở trường hợp này, khó có thể coi Long Nguyệt là nhà thầu phụ”, ông Trường cho biết.

Bên cạnh đó, tại Hợp đồng RAI/CP14 được tham chiếu hướng dẫn của WB có quy định, giá trị thầu phụ không được vượt quá 30% tổng giá trị hợp đồng, trong khi giá trị các nhà thầu ký hợp đồng kinh tế thứ 2 với Long Nguyệt chỉ khoảng 25%. Theo khoản 3, Điều 3, Luật Đấu thầu, những dự án có sử dụng điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đó. “Như vậy, nhà thầu không vi phạm các quy định hiện hành”, lãnh đạo PMU3 cho biết.

Không có vi phạm đáng kể

Cả đơn vị đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 3) và chủ đầu tư (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đều quyết liệt bảo lưu quan điểm về việc không có vi phạm đáng kể liên quan đến việc sử dụng thầu phụ tại một số gói thầu tại Dự án VRAMP sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Các kiến nghị của đại diện chủ đầu tư, chủ đầu tư đang được Bộ Giao thông - Vận tải tổng hợp để báo cáo kết quả thực hiện Kết luận Kiểm toán Nhà nước trong quý I/2019.

Nguồn: baodautu.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây