6.686 tỷ vốn tín dụng "giải cứu" tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Chủ nhật - 15/12/2019 12:00. Xem: 88
Đến nay, nút thắt cuối cùng và quan trọng nhất của công trình trọng điểm này là nguồn vốn tín dụng cũng đã được thông.    

 

Keyword đầu tiên có dấu
Đến nay 45km nền đất yếu thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải

 

Sáng nay (16/12), Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và nhóm ngân hàng do Vietinbank làm đầu mối ký hợp đồng tín dụng trị giá 6.686 tỷ đồng, tháo gỡ nút thắt cuối cùng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Các ngân hàng hợp vốn cho vay 6.686 tỷ đồng

Từ chỗ bế tắc nhiều năm, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực sự có dấu hiệu chuyển biến từ đầu năm 2019 khi Tập đoàn Đèo Cả đồng ý vào tăng cường năng lực quản trị cho doanh nghiệp dự án và chỉnh đốn công tác tổ chức thi công trên công trường. Lần lượt các vướng mắc về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước… cho dự án đã được tháo gỡ. Đến nay, nút thắt cuối cùng và quan trọng nhất của công trình trọng điểm này là nguồn vốn tín dụng cũng đã được thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, nguyên nhân dự án chậm ký hợp đồng tín dụng trong thời gian qua do các ngân hàng có những quy định khác nhau. Hơn nữa, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án được nhiều ngân hàng hợp vốn cho vay (Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank) nên giữa chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án và các ngân hàng phải thống nhất nhiều nội dung liên quan.

“Thời gian qua, Vietinbank với vai trò là ngân hàng thu xếp vốn đã thể hiện quyết tâm lớn cùng nhà đầu tư để thực hiện dự án. Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, đôn đốc, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, cung cấp vốn tín dụng phù hợp với quy định”, ông Thế nói và cho biết, chủ đầu tư đã làm việc với lãnh đạo Vietinbank để soát xét lại các điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của các ngân hàng nhằm thúc đẩy việc ký kết lại hợp đồng tín dụng.

“Hiện tại, các thủ tục pháp lý, cũng như những quan ngại về rủi ro trước đây từ phía ngân hàng đã được nhà đầu tư cơ bản đáp ứng. Sáng 16/12, doanh nghiệp dự án và các ngân hàng do Vietinbank làm đầu mối sẽ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 6.686 tỷ đồng để tháo gỡ nút thắt cuối cùng cho dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”, ông Thế nói.

Thi công xuyên Tết, đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2021

“Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh khoảng hơn 12.500 tỷ đồng.”

 

Trong cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ngoài phần vốn tín dụng 6.686 tỷ đồng, còn 2.186 tỷ đồng vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và 3.400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, vốn chủ sở hữu đã được các nhà đầu tư góp đủ, phần vốn nhà nước tham gia vào công trình, doanh nghiệp dự án cũng đã nhận được 1.390 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2019.

Theo ông Hoàng, từ một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, doanh nghiệp dự án đã ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II/2021 và điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.

“Trên thực địa, chủ đầu tư đã cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị thi công 3 ca để có bước nước rút ngay trong mùa khô này. Tết này, từ chủ tịch đến cán bộ, kỹ sư, người lao động của công ty sẽ đón xuân trên công trường”, ông Hoàng khẳng định và cho biết, lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã treo thưởng 10 tỷ đồng cho các đơn vị thi công nếu như công trình cao tốc trọng điểm này về đích đúng tiến độ.

Ông Hoàng thông tin thêm, để giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng công trình, đảm bảo an toàn, an ninh, chủ đầu tư sẽ cho lắp camera giám sát 24/24h trên toàn công trường dài hơn 50km này. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, để dự án đảm bảo tiến độ, ngoài nguồn vốn tín dụng giải ngân từ các ngân hàng, phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ còn lại (khoảng 800 tỷ đồng), UBND tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan quản lý vốn để bố trí cho dự án trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, dù nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về cho dự án, nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chủ động tìm mọi nguồn vốn để duy trì tiến độ thi công. Tính đến thời điểm này đã có trên 50 cây cầu trên tuyến đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng có sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, trong khi suốt 10 năm trước đó dự án chỉ vỏn vẹn đạt 10% giá trị hợp đồng.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây