Bộ GTVT và Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, người dân về dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Trong đó, tại dự thảo Luật Đường bộ (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), gầm cầu cạn được đề xuất tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, chất nguy hiểm khác và phương tiện quá niên hạn sử dụng. Điều này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp đáp ứng yêu cầu về điều kiện kỹ thuật, bảo đảm độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Khi sử dụng gầm cầu cạn vì mục đích nêu trên, phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận biện pháp phòng cháy chữa cháy và đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đường bộ cũng quy định ôtô trên 9 chỗ để đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (quy định hiện nay là không quá 20 năm), có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Riêng ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Đồng thời, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, giữ trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu hai người quản lý.
Ngoài ra, dự thảo luật còn bổ sung quy định trạm dừng nghỉ phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện nhằm khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng xe chạy điện, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Đề xuất bỏ GPLX hạng A1, trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe
Trong khi đó, với việc đề xuất thay đổi phân hạng GPLX, Luật Trật tự, ATGT dự kiến sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
Chẳng hạn, với việc đề xuất bỏ GPLX hạng A1 thì hạng A2 sẽ cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50-175cm3 hoặc động cơ có công suất định mức tương đương. Hạng A cấp cho người lái xe môtô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên hoặc động co có công suất định mức tương đương và các loại xe quy định cho GPLX hạng A2.
Đối với GPLX hạng B1, B2 như hiện nay sẽ chuyển sang hạng B theo quy định mới. Cụ thể dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ của người lái xe), xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng), máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg.
Một quy định mới nữa trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT là trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe ô tô khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, ngoài việc yêu cầu tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người lái xe phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường, dự thảo luật mới còn bổ sung quy định: ngay tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người lái xe cũng phải quan sát, nếu thấy người đi bộ hoặc xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua.
Với trường hợp xe máy được chở ba người, dự thảo luật mới bổ sung đối tượng được phép chở ba là người già yếu hoặc người khuyết tật (quy định hiện hành là xe máy chở ba trong trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em dưới 14 tuổi).
Một số thay đổi đáng chú ý nữa như bổ sung quy định để giảm thiểu các tai nạn từ xe ngược chiều vào khoản 5 Điều 12 (Sử dụng làn đường): "Trên đường hai chiều không có giải phân cách cứng ở giữa có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại".
Bổ sung nội dung tích hợp dữ liệu các loại giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện vào tài khoản định danh điện tử: "Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử".
Nguồn: tapchigiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện