Điểm sáng chuyển đổi số Bộ GTVT: Thu phí không tiền mặt, ngồi nhà đổi GPLX

Chủ nhật - 23/07/2023 13:00. Xem: 119
 Giờ đây, người dân, doanh nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công lĩnh vực đường bộ qua mạng nhờ chuyển đổi số.
Điểm sáng chuyển đổi số Bộ GTVT: Thu phí không tiền mặt, ngồi nhà đổi GPLX

 Tiện ích chuyển đổi số cho phép người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch công một cách dễ dàng qua mạng.

Đổi GPLX chỉ bằng vài cái nhấp chuột

Hai tuần trước, anh Nguyễn Trung Hiếu (trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đến trung tâm y tế quận khám sức khỏe để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2.

Tại đây, anh Hiếu được nhân viên y tế thông báo việc đổi GPLX không cần phải đến đơn vị có thẩm quyền như trước đây. Thay vào đó, có thể làm trực tuyến khi dữ liệu giấy khám sức khỏe đã được liên thông để người dân đổi GPLX trực tuyến cấp độ 4 hoàn toàn trên môi trường mạng.

Chỉ cần nhấp chuột người dân đổi được GPLX
mà không mất nhiều thời gian, chi phí (Ảnh minh họa)

Chỉ trong thời gian ngắn, anh Hiếu được hướng dẫn làm thủ tục nộp hồ sơ qua mạng, nộp lệ phí trực tuyến và đăng ký nhận bằng ngay tại nhà. Chưa đầy 1 tuần sau, anh đã nhận được GPLX mới gửi đến nhà bằng đường bưu điện.

Chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, sau vài cái nhấp chuột là xong. Thủ tục trả hồ sơ hành chính tận nhà nên chẳng cần phải đến cơ quan nhà nước. Người dân chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều", anh Hiếu nói.

Là người đã có 2 lần đổi GPLX, anh Lê Văn Đức (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, việc đổi bằng lái rất phức tạp, mất thời gian, quy trình rườm rà, người dân sẽ cần phải thực hiện ít nhất 6 lượt di chuyển và phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ.

Lượt đầu tiên, phải tìm một cơ sở khám sức khỏe, sau khi có được phiếu khám sức khỏe, bạn lại phải thực hiện một chuyến đi nữa để mang các giấy tờ đó đến nơi cấp đổi GPLX để nộp. Một tuần sau đó, bạn lại thực hiện một chuyến đi khác để nhận giấy tờ và GPLX mới.

"Sau khi chủ trương đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện, việc đổi bằng lái rất đơn giản. Chỉ cần vào trang dịch vụ công quốc gia và khai báo, sau một thời gian ngắn, GPXL được gửi đến tận nhà. Người dân có thể tiết kiệm được tới 6 chuyến đi. Và đương nhiên, tiết kiệm được chi phí, lưu lượng người trên đường cũng sẽ thấp, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cấp đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được triển khai toàn quốc từ tháng 11/2022. Đây là nhóm dịch vụ công trực tuyến thiết yếu là một trong các tiêu chí đánh giá chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. 

“Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đang cung cấp 66 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 41 dịch công toàn trình (mức độ 4) và 25 dịch vụ công một phần. Các dịch vụ người dân, doanh nghiệp như cấp giấy phép, phù hiệu kinh doanh vận tải; cấp phép xây dựng công trình thiết yếu… Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công quốc gia đã đạt 62%.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia là một trong những dịch vụ công trực tuyến được Bộ GTVT triển khai mang lại tiện ích cho người dân.

Khi đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân không phải đến sở GTVT, thay vào đó, họ chỉ cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục và truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia nộp hồ sơ và chờ nhận GPLX.

“Số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng dần, so với thời điểm bắt đầu triển khai chỉ có khoảng gần 100 hồ sơ/ngày, đến nay đã tiếp nhận trung bình 500 hồ sơ/ngày. Việc đổi GPLX trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công quốc gia đã góp phần đơn giản, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Theo tính toán, người dân ở vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ thực hiện trực tuyến có thể giúp tiết kiệm khoảng 700.000 đồng chi phí đi lại, thời gian”, ông Cường cho hay.

Tuy vậy, để có được kết quả đổi GPLX qua mạng như ngày hôm nay cũng không phải là điều dễ dàng.

Trước hết, phải thừa nhận các cơ quan quản lý nhà nước đã rất nỗ lực trong việc triển khai cấp GPLX qua mạng. Cục Đường bộ Việt Nam đã khẩn trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho việc thí điểm dịch vụ cấp GPLX trực tuyến.

Từ bước thí điểm, người dân đã hào hứng với dịch vụ này, vì tiết kiệm được thời gian, công sức. Chỉ cần ngồi ở nhà, người dân cũng có thể đổi được GPLX qua cổng dịch vụ công quốc gia và nhận kết quả qua bưu điện. Nhưng trên thực tế, khi bắt tay vào làm thì không đơn giản như vậy.

Chia sẻ về những ngày tháng đó, ông Lương Duyên Thống, trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời điểm bắt đầu triển khai vào cuối năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 30 GPLX được đổi thành công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khi mỗi năm có khoảng 2 triệu GPLX cần cấp đổi. Con số này đã cho thấy sự khó khăn trong công tác chuyến đổi số, khiến việc cấp GPLX qua mạng ban đầu chưa mang lại lợi ích như kỳ vọng.

Trong số 12 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm dịch vụ đổi GPLX qua mạng chỉ có 3 cơ sở y tế tại Hà Nội, 8 cơ sở y tế tại Hà Nam được kết nối, do ngành y tế chưa mở rộng các đơn vị cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, việc kết nối dữ liệu xử lý vi phạm của Cục CSGT cũng còn vướng mắc.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ GTVT đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kết nối liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành.

“Đến tháng 11/2022, Cục Đường bộ Việt Nam mở rộng đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong toàn quốc. Ngay sau đó, dữ liệu xử lý vi phạm giao thông cũng dã được kết nối. Tiếp theo, Bộ Y tế kết nối với hơn 1.300 cơ sở y tế, cung cấp hơn 630.000 giấy khám sức khỏe điện tử.

Từ đây, việc cấp đổi GPLX qua mạng đã thực sự hấp dẫn người dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các sở GTVT đã cấp hơn 11.000 GPLX trực tuyến, số hồ sơ tiếp nhận tăng từng ngày”, ông Thống cho hay.

Thành công của thu phí không dừng là tiền đề quan trọng mở rộng
dịch vụ trung gian thanh toán, hướng tới không dùng
tiền mặt trong giao thông (Ảnh minh họa).

Đột phá thu phí không dừng

Mấy ngày gần đây, anh Phan Quốc Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) đang tất bật hoàn tất các thủ tục với nhà cung cấp dịch vụ VETC để chuyển đổi tài khoản giao thông của mình sang ví điện tử.

Anh Mạnh chia sẻ, từ khi các tuyến cao tốc chỉ có thu phí tự động không dừng, mỗi dịp lễ tết, chúng tôi đã không còn phải chịu cảnh ùn tắc tại các trạm thu phí. Sau thời gian vận hành, nhà cung cấp dịch vụ đã mở rộng trung gian thanh toán bằng việc nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử.

“Tới đây, khi được nhà nước cho phép, thay vì chỉ được dùng trả phí đường bộ, tài khoản giao thông sẽ được dùng để trả phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người dân sử dụng dịch vụ”, ông Mạnh nói.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, việc tài khoản giao thông thành ví điện tử giúp chủ phương tiện được sử dụng số tiền họ đã nạp vào các mục đích khác khi chưa thanh toán phí đường bộ. Chủ phương tiện cũng được hưởng lợi khi các dịch vụ giao thông phát triển hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt, như dịch vụ bãi đỗ xe, mua xăng, dầu, nộp phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ.

Cần phải thấy rằng, trước năm 2015, việc thu phí trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc vẫn chủ yếu áp dụng hình thức thu phí một dừng, tức là hình thức thu phí thủ công. Thời điểm đó, hình thức thu phí này đã bộc lộ nhiều bất cập như, gây ùn tắc giao thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội về tính công khai, minh bạch trong thu phí các dự án giao thông.

Trước yêu cầu của thực tiễn, năm 2015, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đưa công nghệ vào để áp dụng để thay thế hình thức thu phí thủ công.

Thu phí tự động không dừng là hình thức thu phí mới, liên quan đến nhiều đối tượng nên bước đầu triển khai dự án gặp nhiều thách thức về hành lang pháp lý, sự phản ứng của các nhà đầu tư BOT và thói quen của người dùng.

Chính vì vậy, các mục tiêu Chính phủ đặt ra cho việc hoàn thành lắp đặt, vận hành ETC vào năm 2020 đã nhiều lần "lỡ hẹn. Sau gần 7 năm triển khai, số lượng phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 2,5 triệu trong tổng số 5 triệu xe, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ cũng chỉ đạt khoảng 40%.

Đến tháng 8/2022, thu phí không dừng đã băng băng về đích khi Chính phủ đưa ra giải pháp đột phá là tất cả tuyến cao tốc sẽ phải áp dụng thu phí tự động không dừng hoàn toàn. Cùng với chế tài nghiêm khắc của Chính phủ, chỉ trong thời gian rất ngắn, nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ đã dồn lực ngày đêm lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC trên cao tốc.

Đến nay, trải qua gần 1 năm thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc được thực hiện, lượng phương tiện dán thẻ đạt hơn 4,6 triệu phương tiện, đạt hơn 90% tổng lượng phương tiện. Những lợi ích của loại hình thu phí văn minh này đã được thực tế chứng minh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, thành công của thu phí không dừng là bước chuyển quan trọng xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

“Đây không chỉ là câu chuyện giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm được ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, ô nhiễm môi trường, mà nó còn khiến việc thu phí được minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; giảm thói quen sử dụng tiền mặt”, ông Quyền nói.

Nếu như Đài Loan (Trung Quốc) mất 10 năm (2004 - 2014) để triển khai thành công thu phí tự động không dừng, đạt tỷ lệ người sử dụng hơn 90% thì tại Việt Nam, quá trình này chỉ mất 7 năm. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thu phí giao thông.

Từ thành công của thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT đã nghĩ xa hơn đó là kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Theo Bộ GTVT, đến nay, dịch vụ ETC đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện. Tuy nhiên, việc quy định tài khoản giao thông chỉ được dùng thanh toán phí đường bộ chưa phát huy được hết hiệu quả dự án.

“Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư dự án thu phí điện tử không dừng”, Bộ GTVT khẳng định.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thành công này tạo tiền đề quan trọng để chuyển đổi số, không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.

"Bộ GTVT đưa ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng được triển khai tại tất cả các trạm thu phí, tiến tới xóa bỏ thu phí bằng tiền mặt. Giai đoạn đến năm 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán cho các dịch vụ giao thông đường bộ", ông Toàn cho biết.

Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới

Đổi GPLX trực tuyến, hoàn thành thu phí tự động không dừng là hai trong số nhiều nội dung quan trọng trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số của ngành đường bộ.

Tiện ích chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch công một cách dễ dàng qua mạng. Kết quả này đã góp phần vào thành tích Bộ GTVT được Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá là điểm sáng mới về phát triển kinh tế số của cả nước đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, Cục Đường bộ Việt Nam xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số vừa là yêu cầu vừa bắt buộc trong quản lý.

Từ đây, Cục đã xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ với tinh thần khẩn trương, “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, các nền tảng số, Chính phủ điện tử đã được đưa ra chi tiết trong đề án.

Mục tiêu của đề án đến năm 2030, Cục Đường bộ Việt Nam dẫn đầu chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, từ đây làm "đòn bẩy" nâng cao công tác quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy phát triển ngành đường bộ với chất lượng dịch vụ tốt, an toàn, tin cậy, cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo ATGT, ùn tắc giao thông. 

Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trên cơ sở đó xây dựng các nền tảng ứng dụng dùng chung như vận tải, đào tạo sát hạch lái xe, kết cấu hạ tầng... Các dịch vụ này sẽ được cung cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp và kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT.

Mô hình ứng dụng CNTT của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử, đưa công tác chuyển đổi số trở thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý, điều hành, đồng hành với doanh nghiệp, người dân.

"Khi được phê duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển đề án để khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới với các tiêu chí cụ thể. Trong đó, sẽ ban hành kế hoạch triển khai với nhiều giải pháp, nhiệm vụ và phân công, gắn trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thực hiện", ông Cường nói.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, doanh nghiệp trong hoạt động vận tải, đến năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về vận tải đường bộ. Đến năm 2027, tạo ra các nền tảng kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, hình thành sàn giao dịch vận tải khách và sàn vận tải hàng hóa.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tăng cường quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, nhằm mục tiêu chống gian lận, giám sát quá trình người học được học đủ nội dung, thời gian, quãng đường học, từ đó nâng cao chất lượng công tác này.

Trong bảo trì đường bộ, CNTT cũng được ứng dụng mạnh mẽ để kiểm soát chất lượng và minh mạch hóa. Các ứng dụng hiện có sẽ được nâng cấp thông minh hơn để theo dõi bảo trì, tự động hóa lập kế hoạch bảo trì, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn công trong sửa chữa định kỳ được cập nhật, số hóa trên hệ thống.

Thu phí không dừng hướng tới xây dựng hệ thống sử dụng đa làn tự do tại các trạm thu phí, đảm bảo 100% phương tiện sử dụng tài khoản với tính năng thanh toán đa mục đích, đa dịch vụ, kết nối với đa nền tảng thanh toán.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho hay, tinh thần của lãnh đạo Bộ, chuyển đổi số là để phục vụ người dân chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước chuyển đổi số mà người dân được hưởng dịch vụ đó. Quan điểm này đã thay đổi rất nhiều hệ thống thông tin của Bộ GTVT và các cục chuyên ngành.

Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng dữ liệu, trong đó xây dựng dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người lái...Khi có dữ liệu dùng chung sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và có số liệu để quản lý.

Đơn cử như dữ liệu kết cấu hạ tầng được số hóa, theo dõi được các công trình như lý lịch sức khỏe con người, thấy được quá trình sửa chữa bảo trì như thế nào. Đồng thời sử dụng công nghệ để dự đoán được bảo trì trong giai đoạn tiếp theo, từ đó lập được chính xác kế hoạch bảo trì.

 

“Tinh thần của Bộ GTVT là xong dữ liệu nào chia sẻ dữ liệu đó, để từ đó phát huy ngay hiệu quả. Hiện, dữ liệu của Bộ GTVT đang được kết nối với 7 Bộ và chia sẻ dữ liệu với hơn 20 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi tháng, Bộ GTVT chia sẻ 5 - 7 triệu dữ liệu. Các tỉnh, thành phố dùng dữ liệu của Bộ GTVT để xây dựng đô thị thông minh như kiểm soát xe vào nội đô, xe tải trọng lớn đi qua cầu, hay kiểm soát xe đi vào đường cấm”, ông Tùng cho hay.

Nguồn: Báo Giao thông

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây