Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô

Thứ tư - 27/09/2023 04:24. Xem: 505
Tiếp theo cuộc họp chuyên đề khoa học về “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô” do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức ngày 03/8/2023. Hôm nay (26/09), Trung tâm CHD và Quỹ AIP tiếp tục phối hợp tổ chức họp chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” nhằm cung cấp thông tin, sự cần thiết và đề xuất những quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô.
IMG 8112
IMG 8112

Tiếp theo cuộc họp chuyên đề khoa học về “Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô” do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) đồng tổ chức ngày 03/8/2023. Hôm nay (26/09), Trung tâm CHD và Quỹ AIP tiếp tục phối hợp tổ chức họp chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” nhằm cung cấp thông tin, sự cần thiết và đề xuất những quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô.

 Buổi họp có sự tham gia của các đại biểu từ các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, Ban ngành hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội và các nhà khoa học trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.

16957771672

TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG phát biểu tại cuộc họp

Cuộc họp chuyên đề tập trung nêu bật thực trạng và những vấn đề đặt ra từ thực tế bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho trẻ em tại Việt Nam, các bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế trong đó có Malaysia và Philipin thuộc khu vực Đông Nam Á về việc áp dụng quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Trẻ em có quyền được bảo vệ trên xe ô tô khi tham gia giao thông là thông điệp được các đại biểu nhất trí và ủng hộ. Đồng thời, tại cuộc họp những đề xuất về các quy định sử dụng thiết bị an toàn phù hợp với trẻ em theo độ tuổi và chiều cao nhằm bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông cũng như tính sẵn có của các thiết bị an toàn trên thị trường được đưa ra thảo luận, bàn bạc từ nhiều góc độ của các nhà khoa học, đơn vị chuyên môn về y tế, nghiên cứu, đơn vị cung cấp ô tô, thiết bị an toàn và cả trên góc độ bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.

Theo Trung tâm Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD), tại Việt Nam, vấn đề tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn giao thông đường bộ đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và của toàn xã hội. Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.

3(44)

 

Cuộc họp chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô” 

Quy định số 129 của Hội đồng Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp quốc có hiệu lực từ tháng 6 năm 2014 định nghĩa “Thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ ”.

Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân năng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn ISOFIX. Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra nếu đầu tư cho một thiết bị an toàn khoảng 1.100.000 đồng (46 đô la Mỹ) có thể giúp tiết kiệm được chi phí y tế 3.340.000 đồng (140 USD), 11.230.000 đồng (470 USD) cho thu nhập trong tương lai và 31.000.000 đồng (1.300 USD) cho chi phí về chất lượng cuộc sống.

Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm về thực hành tốt trên 91 quốc gia ban hành luật bắt buộc quy định sử dụng thiết bị an toàn, ngày 28/04/2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã gửi văn bản khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đảm bảo giới hạn tuổi sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em là tới 12 tuổi với những điểm chính sau: Trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi phải được chở bằng hệ thống an toàn trên xe ô tô cho trẻ em phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ em và không được ngồi ở hàng ghế trước của xe. Việt Nam có thể xây dựng khung thời gian hợp lý để áp dụng quy định này trong quá trình triển khai thực tế.

Hiện nay trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Tháng 8/2023), điều 9 khoản 3 đã đề xuất "trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô ". Đề xuất này là một bước tiến lớn so với hiện nay và rất đúng đắn nhưng mới bảo vệ được cho nhóm trẻ em từ 0-4 tuổi.

Điều đó đồng nghĩa với việc nhóm trẻ em từ 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất khi tham gia giao thông bằng ô tô theo dự thảo này. Xét về góc độ bảo vệ trẻ em, căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ em Việt nam từ 1-12 tuổi theo chuẩn WHO, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trong đó sử dụng tiêu chí chính là chiều cao dưới 135 cm.

Bởi vậy để bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em trong bối cảnh ô tô gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao (đặc biệt trên mạng lưới cao tốc và quốc lộ), kết hợp với kinh nghiệm quốc tế, nên quy định rõ trong dự thảo Luật (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ) một số nội dung sau:

Trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 12 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em. Trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe. Người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này. Xe ô tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em (Luật Đường bộ). Bổ sung mức xử phạt trong Nghị định, với mức phạt ít nhất từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên xe ô tô con cá nhân nhằm bảo đảm mức phạt cao hơn 2-3 lần so với việc tuân thủ (mua và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe).

Các nhà khoa học cho rằng quy định này là rất khả thi về mặt kỹ thuật và cần xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, cần sự tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng, xã hội.

* Trung tâm Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) là một tổ chức khoa học công nghệ được thành lập năm 2010 với mục đích cải thiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với bề dầy kinh nghiệm và có đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, Trung tâm CHD đã và đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu và dự án góp phần cải thiện sức khoẻ cộng đồng và an toàn giao thông đường bộ. Trung tâm CHD cam kết tăng cường năng lực của các gia đình, cộng đồng và đối tác bằng cách thực hiện các biện pháp can thiệp vào cộng đồng, góp phần đạt được các tác động xã hội và sức khỏe cộng đồng tối đa và bền vững.

* Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh phòng chống thương tích và tử vong do va chạm giac thông đường bộ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Xuyên suốt hơn 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ AIP đã và đang thực hiện các dự án góp phần cải thiện an toàn giao thông đường bộ mộ cách hiệu quả tại các nước Châu Á và Châu Phi.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây