Họp Hội nghị đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2014 “Phân tích lựa chọn công thức tính toán sức chịu tải cọc ống thép hở mũi đường kính lớn phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế cầu ở Việt Nam”, mã số: DT144001

Thứ ba - 15/12/2015 12:00. Xem: 138
 Với ưu điểm đáp ứng được các điều kiện địa chất phức tạp, độ tin cậy khá cao và khả năng kháng lại tác dụng của lực động đất một cách hiệu quả, móng cọc ống thép được sử dụng phổ biến trên thế giới từ đầu thế kỉ XX. Trong thực tế xây dựng ở các nước, cả cọc ống thép hở mũi và kín mũi đều được áp dụng. Các nghiên cứu đều cho thấy ứng xử của cọc hở mũi có những đặc điểm khác biệt so với cọc kín mũi. Cọc kín mũi là cọc chiếm chỗ, ứng xử tương tự như các cọc đóng bình thường. Trong khi đó, cọc hở mũi ứng xử phức tạp hơn, thường là nằm giữa cọc không chiếm chỗ và cọc chiếm chỗ. Do đó, việc nghiên cứu ứng xử của cọc ống thép hở mũi để đưa ra các công thức tính toán phù hợp đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học cũng như các hiệp hội về móng cọc trên thế giới. Theo những nghiên cứu mới đây, việc xác định các hệ số trong công thức đều được tiến hành bằng phân tích thống kê dựa vào độ tin cậy. Hầu hết các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc đều đã chuyển sang triết lý thiết kế theo hệ số sức kháng và hệ số tải trọng LRFD (Load and Resistance Factor Design) cho cọc đóng nói chung và cọc ống thép nói riêng.

 Ở Việt Nam, những năm gần đây móng cọc ống thép đã được áp dụng vào một số công trình cầu cho hệ thống phụ trợ thi công cũng như kết cấu dưới của mố trụ cầu như cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, công trình cầu trên đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện. Với các đặc điểm mang tính ưu thế, phương án móng cọc ống thép có xu hướng sẽ ngày càng được xem xét, sử dụng. Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nghiên cứu liên quan để ứng dụng móng cọc ống thép, cọc ván thép vào trong công trình cầu, công trình cảng,.. Liên quan đến vấn đề tính toán thiết kế móng cọc ống thép, cọc ván thép đã có một số công trình đề tài nghiên cứu được công bố và ban hành các sổ tay hướng dẫn tính toán. Tuy nhiên để có thể có lựa chọn công thức phù hợp cho cọc ống thép và phù hợp với triết lý thiết kế LRFD mà hiện nay tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05 đang áp dụng, cần có các nghiên cứu đầy đủ hơn từ việc phân tích nguồn gốc, bản chất các công thức tính SCT cọc trong các tiêu chuẩn, đặc biệt là của AASHTO; tìm hiểu các nghiên cứu mới nhất về SCT cọc ống thép; thu thập và phân tích các số liệu thử tải cọc ở các nước trên thế giới và cả các công trình ở Việt Nam trong thời gian sắp tới; từ đó phân tích, so sánh và lựa chọn được công thức tính toán sức chịu tải cọc ống thép phù hợp nhất.

Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Công nghệ GTVT triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ về “Phân tích lựa chọn công thức tính toán sức chịu tải cọc ống thép hở mũi đường kính lớn phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế cầu ở Việt Nam”, mã số: DT144001 do ThS. Nguyễn Thái Khanh làm chủ nhiệm đề tài.

Ngày 08/12/2015, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp Hội nghị đánh giá nghiệm thu cấp Bộ. Tham dự hội nghị có PGS.TS. Hoàng Hà – Vụ trưởng Khoa học công nghệ, chủ tịch Hội đồng, chủ trì buổi họp, các thành viên Hội đồng theo Quyết định số 2681/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2015, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng - đại diện cơ quan chủ trì thực hiện và nhóm thực hiện.

Tại buổi họp, Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Thái Khanh đã trình bày tóm tắt nội dung và kết quả nghiên cứu đã thực hiện. Kết quả chủ yếu của đề tài gồm:  phân tích so sánh được các công thức tính toán sức chịu tải của cọc đóng nói chung và cọc ống thép hở mũi nói riêng; thu thập phân tích được dữ liệu về kết quả thí nghiệm nén tĩnh cọc ống thép ở trên thế giới cũng như trong một số dự án ở Việt Nam; nghiên cứu phương pháp xác định hệ số sức kháng theo triết lý LRFD dựa trên phương pháp độ tin cậy, và tiến hành phân tích, lựa chọn được công thức phù hợp cùng với hệ số sức kháng tương ứng.

Với kết quả đạt được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại khá. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây