Họp Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Bộ đánh giá nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn thiết kế kết cấu áo đường cấp cao áp dụng cho hệ thống đường ô tô cao tốc ở Việt Nam” Mã số : DT 154050.

Chủ nhật - 04/09/2016 13:00. Xem: 147
 Ngày 31/8/2016, Bộ GTVT đã tổ chức Họp Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Bộ đánh giá nghiệm thu Đề tài DT 154050.

 Theo AASHTO, về nguyên tắc, để có cơ sở ban đầu cho việc đề xuất định hướng loại kết cấu áo đường, người ta phải dựa vào số liệu về lưu lượng xe thiết kế. Theo quy định của AASHTO, số  trục xe tiêu chuẩn tích lũy trong thời hạn thiết kế (gọi tắt là lưu lượng xe thiết kế), được tính quy đổi ra tải trọng trục tương đương 8,2 T/ trục (ESALs), được phân ra 3 mức như sau :

- Mặt đường có lưu lượng xe thấp : dưới 300 000 ESALs

- Mặt đường có lưu lượng xe vừa : từ 300 000 – 10 triệu ESAls

- Mặt đường có lưu lượng xe cao : trên 10 triệu ESALs

Trong đó, đường Ô-tô cao tốc đều được thiết kế với lưu lượng xe ở mức cao.

Trong khi đó, có thể sơ bộ nhận xét rằng, dường như hầu hết kết cấu áo đường được thiết kế  theo tiêu chuẩn 22TCN 211-06 hiện nay ở Việt Nam chủ yếu phù hợp với mặt đường có lưu lượng xe thiết kế ở mức thấp đến vừa. Theo số liệu thống kê của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, tính cho đến nay Việt Nam đã có trên 500 Km đường ô tô cao tốc đang khai thác phân bố trên 8 tuyến đường, trong đó có tới 2/3 các tuyến cao tốc này được xây dựng với sơ đồ kết cấu áo đường kiểu truyền thống (2 lớp bê tông nhựa đặt trực tiếp trên móng CPĐD), không phù hợp với kết cấu áo đường dành cho đường Ô-tô cao tốc. Vì vậy, đối với kết cấu áo đường mềm cấp cao khi được thiết kế và xây dựng để dùng cho đường ô tô cao tốc, nhất thiết cần phải được nghiên cứu tham khảo từ tiêu chuẩn AASHTO, với các quy định kỹ thuật cụ thể và chặt chẽ, phù hợp với mức lưu lượng xe thiết kế ở mức cao, tức là từ 10 triệu đến 200 triệu ESALs trong suốt thời kỳ khai thác. Đồng thời, chất lượng thiết kế, thi công và bảo trì kết cấu áo đường mềm cũng cần phải được nâng cao lên một bước nhằm đảm bảo tuổi thọ của mặt đường bê tông nhựa tối thiểu là 20 năm.

Kể từ năm 2000 đến nay, ngành GTVT cho phép tồn tại song song 2 phương pháp thiết kế kết cấu áo đường, đó là phương pháp thiết kế áo đường theo 22TCN 211-06 mà thực chất là theo trường phái của Liên Xô (cũ) và phương pháp thứ 2 là thiết kế kết cấu áo đường theo 22TCN 274-01 mà thực chất là được biên dịch, biên soạn từ tiêu chuẩn thiết kế mặt đường AASHTO 1993 (Mỹ). Có thể nói rằng, cách tính toán thiết kế mặt đường mềm theo 22TCN 211-06 dường như chỉ thích ứng với mặt đường lưu lượng thấp và vừa, không đáp ứng được với yêu cầu tính toán, thiết kế kết cấu áo đường cho mặt đường cấp cao với lưu lượng xe lớn. Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quyết định chuyển đổi tiêu chuẩn ngành GTVT sang AASHTO từ năm 2000, theo đó chuyên ngành cầu hầm đã thực hiện khá nghiêm chỉnh và chuyển đổi hầu hết các tiêu chuẩn về cầu hầm sang AASHTO. Tuy nhiên, do tồn tại nhiều quan điểm và nguyên nhân khác nhau, cho đến nay mặc dù các tiêu chuẩn thí nghiệm đã chuyển đổi gần hết song vẫn còn tồn tại một số tiêu chuẩn quan trọng của ngành GTVT như thiết kế kết cấu áo đường, thiết kế yếu tố hình học của đường vẫn chưa có được chuyển đổi theo định hướng AASHTO. Trong khi đó, tiêu chuẩn thiết kế kết cấu áo đường của Liên Bang Nga hiện nay cũng đã có sự thay đổi đáng kể so với tiêu chuẩn đã ban hành của Liên Xô (cũ) là BCH 46-72 và BCH 46-83 mà chúng ta đã biên dịch để áp dụng từ ngày đó cho đến hiện nay.

Tại Việt Nam, Bộ GTVT cũng đã chấp thuận chủ trương cho tiến hành nghiên cứu chuyển đổi tiêu chuẩn thiết kế áo đường mềm 22TCN 211-06 để phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tế. Chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt để ngành GTVT nước ta tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn dùng cho đường bộ sang phù hợp với định hướng AASHTO, góp phần đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH ngành GTVT. Vì vậy, vấn đề cơ bản nhất để định hướng nghiên cứu ứng dụng các quy định của AASHTO trong thiết kế và xây dựng kết cấu áo đường vào điều kiện Việt Nam là: các vấn đề về nguyên lý tính toán, về phương pháp tính toán và về sơ đồ kết cấu áo đường phải phù hợp với yêu cầu của các cấp kỹ thuật mặt đường theo cách phân loại của AASHTO.

 

 Từ thực tế đó, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ 2015 “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn thiết kế kết cấu áo đường cấp cao áp dụng cho hệ thống đường ô tô cao tốc ở Việt Nam” Mã số : DT 154050. Do PGS.TS Doãn Minh Tâm chủ nhiệm đề tài


Ngày 31/8/2016, Bộ GTVT đã tổ chức Họp Hội đồng Khoa học công nghệ cấp Bộ đánh giá nghiệm thu Đề tài DT 154050.

 Tham dự cuộc họp có PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT, Chủ tịch Hội đồng cùng đầy đủ các thành viên Hội đồng theo Quyết định số 1927/QĐ-BGTVT Ngày 22/6/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đại diện lãnh đạo Viện Khoa học và công nghệ GTVT, đơn vị chủ trì nghiên cứu cùng nhóm thực hiện.

Tại cuộc họp PGS.TS Doãn Minh Tâm đã trình bày tóm tắt nội dung đề tài:

1.     Nghiên cứu tổng quan về tình hình thiết kế và thi công mặt đường mềm trên thế giới và ở Việt Nam

2.     Rà soát và tổng hợp các quy định về thiết kế và thi công mặt đường mềm tại Việt Nam (phù hợp với TCVN 5729:2012 và 22TCN 211-06)

3.     Tổng hợp các quy định về thiết kế và thi công mặt đường mềm phù hợp với chỉ dẫn hiện hành của AASHTO

4.     Đề xuất phân loại cấu tạo kết cấu áo đường Ô-tô cao tốc cho Việt Nam theo định hướng AASHTO

5.     Chỉ dẫn cấu tạo và lựa chọn hỗn hợp BTN chất lượng cao để làm lớp mặt đường ô tô cao tốc cho Việt Nam

6.     Chỉ dẫn thiết kế tính toán mặt đường Ô-tô cao tốc tại Việt Nam

7.     Dự thảo chỉ dẫn thi công và nghiệm thu hỗn hợp SMA dùng làm lớp mặt đường chất lượng cao cho đường Ô-tô cao tốc tại Việt Nam

8.     Kết luận, kiến nghị đề tài.

Sản phẩm của đề tài: Báo cáo tổng kết KHCN và báo cáo tóm tắt tổng kết ; Chỉ dẫn thiết kế kết cấu áo đường mềm cấp cao áp dụng cho đường ô tô cao tốc tại Việt Nam; Chỉ dẫn thi công lớp BTN nóng SMA làm lớp mặt đường Ô-tô cao tốc tại Việt Nam. Các chỉ dẫn thiết kế và thi công kết cấu áo đường Ô-tô cao tốc sẽ góp phần nâng cao chất lượng sử dụng và khai thác đường Ô-tô cao tốc, mang lại hiệu quả đầu tư cao và đáp ứng các tiêu chí về an toàn và êm thuận.

Đề tài đã hoàn thành được các nội dung theo đề cương được phê duyệt. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.

 

Hình ảnh cuộc họp

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây