Hiện tượng trượt lở đất diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới, thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học bởi những tác động nghiêm trọng do trượt đất gây ra. Ở Việt Nam, những vụ trượt lở đất gần đây tại Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân. Chính vì thế, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế (đặc biệt là JICA) nhằm ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ, góp phần giảm thiểu những tác động do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính của Việt Nam là việc làm hết sức có ý nghĩa. Việc xây dựng hệ thống cảnh báo tức thời còn rất mới tại Việt Nam. Vì thế, việc nghiên cứu, khảo sát và thiết lập mạng lưới quan trắc nhằm dự báo, ngăn ngừa, giảm thiểu trượt lở đất là điều mà giới chuyên môn trong nước cũng như các cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Vụ trưởng Vụ KHCN Hoàng Hà; Viện trưởng Viện KH&CN GTVT (Giám đốc Dự án) Nguyễn Xuân Khang; đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục chức năng của Bộ GTVT, JICA Việt Nam; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2012, được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án hợp tác nghiên cứu “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc các tuyến đường giao thông chính tại Việt Nam” thời gian thực hiện 2011 - 2016 và giao cho Viện KH&CN GTVT là Chủ dự án, triển khai thực hiện.
Các đại biểu đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục chức năng của Bộ GTVT dự Hội nghị
“Mục tiêu trực tiếp của Dự án là phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất nhằm giảm thiểu những thảm họa do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính của Việt Nam và mục tiêu lâu dài là xã hội hóa triển khai áp dụng công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất và hệ thống cảnh báo sớm đã được phát triển thông qua Dự án để góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông huyến mạch của Việt Nam” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khang - Viện trưởng Viện KH&CN GTVT, Giám đốc Dự án cho biết, Dự án hỗ trợ kỹ thuật về “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc các tuyến đường giao thông chính tại Việt Nam” sử dụng viện trợ không hoàn lại của JICA Nhật Bản tài khóa 2011 - 2016 được Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị Chủ dự án.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khang - Viện trưởng Viện KH&CN GTVT phát biểu tại Hội thảo
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện KH&CN GTVT và Hội Trượt đất quốc tế (ICL) đã tổ chức triển khai Dự án theo tiến độ và các nội dung của Văn kiện dự án và Biên bản thảo luận (RD) đã được ký kết giữa Bộ GTVT và JICA. Các kết quả của Dự án bao gồm phát triển nguồn nhân lực; lập bản đồ rủi ro do trượt đất; thí nghiệm trong phòng và mô phỏng trượt đất; thiết lập hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại ga Hải Vân, bộ Sổ tay đánh giá rủi ro do trượt đất.
Kết quả Dự án không chỉ giúp Bộ GTVT trong đánh giá giảm thiểu rủi ro do trượt đất mà còn có thể ứng dụng ở các Bộ khác như Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…
Các đại biểu đại diện ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam, JICA, JST, ICL và các chuyên gia Nhật Bản dự Hội nghị
Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục đầu tư nghiên cứu về đánh giá rủi ro do trượt đất, đặc biệt đối với những tuyến quốc lộ trọng yếu của đất nước. Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu trượt đất cho khu vực và các điểm trượt đất cụ thể. Tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp các hướng dẫn về đánh giá rủi ro do trượt đất thành các TCCS, TCVN.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện