Tham dự cuộc họp có PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng, chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Hội đồng theo Quyết định số 1899/ QĐ-VKHCN ngày 16/8/2016 của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và nhóm thực hiện đề tài.
Logistics được định nghĩa là “một phần của chu trình chuỗi cũng ứng gồm lập kế hoạch, triển khai thực hiện và kiểm soát tính hiệu quả và hiệu suất của dòng hàng hóa quay vòng cũng như quá trình lưu kho và các thông tin liên quan giữa điểm cung và điểm cầu nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.
Nói một cách đơn giản “logistics là quản lý vận hành hướng tới khách hàng”.
Dịch vụ logistics, hệ thống thông tin và cơ sơ hạ tầng/các nguồn lực là ba cấu phần chính của hệ thống logistics. Dịch vụ logistics hỗ trợ sự dịch chuyển của vật liệu và sản phẩm từ khâu nhập vào, qua sản xuất tới tay khách hàng, cũng như xử lý hàng hỏng và dòng hàng ngược trở lại. Dịch vụ logistics bao gồm các hoạt động hữu hình (tức là vận tải, lưu kho) cũng như các hoạt động phi vật thể (thiết kế chuỗi cung ứng, lựa chọn nhà thầu, đảm phán đơn vận). Hầu hết các hoạt động của dịch vụ logistics là hai chiều. Hệ thống thông tin bao gồm xây dựng mô hình và quản lý đưa ra quyết định, và những vấn đề quan trọng được theo dõi và ghi lại. Hệ thống thông tin cung cấp các dữ liệu và tư vấn cần thiết trong mỗi bước tương tác giữa các dịch vụ logistics và trạm mục tiêu. Cơ sở hạ tầng bao gồm nguồn nhân lực, nguồn tài chính, vật liệu đóng gói, kho bãi, giao thông vận tải. Cơ sở hạ tầng là nền tảng và cơ sở hữu hình bên trong hệ thống logistics.
Logistics không thể phát huy được đầy đủ những ưu điểm của mình nếu thiếu một hệ thống giao thông vận tải phát triển tốt. Một hệ thống giao thông vận tải tốt giúp cho các hoạt động logistíc hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành và góp phần tăng chất lượng dịch vụ. Nâng cấp hệ thống giao thông vận tải là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của chính phủ. Vì một hệ thống logistics vận hành nhịp nhàng đem lại lợi thế cạnh tranh cho cả các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân.
Logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Đối với những nước phát triển như Nhật và Mỹ logistics đóng góp khoảng 10% GDP. Đối với những nước kém phát triển thì tỷ lệ này có thể hơn 30%.
Dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Và nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất trong logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ. Ngành dịch vụ logistics đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Do đó, những năm gần đây, ngành dịch vụ logistics đã thu hút được sự chú ý của các nhà làm luật, các nhà nghiên cứu cũng như nhà kinh doanh trong nước. Hoạt động logistics đã được đưa vào Luật thương mại Việt Nam năm 2007.
Bên cạnh vấn đề về cơ sơ hạ tầng, một trong những nút thắt chính ảnh hưởng đến toàn bộ ngành vận tải và logistics là tình trạng nhân lực logistics yếu và thiếu toàn diện.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực logistics cho thấy, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam cho biết, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên 1 triệu nhân sự có chuyên môn về logistics, hiện hàng ngàn doanh nghiệp đang rất lúng túng khi tìm kiếm lao động làm trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy nguồn nhân lực logistics có chất lượng quá thấp.
Trước thực trạng trên, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành trở nên cấp thiết. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/1/2011 phê duyệt chiến lược phát triển tổng thể khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 và đã nêu rõ coi logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa. Điều này cho thấy, việc phát triển ngành logistics và nguồn nhân lực logistics đã trở thành chương trình cấp quốc gia. Đối với ngành Giao thông vận tải, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22/01/2014 đi “Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, Định hướng đến năm 2030” trong đó nêu rõ nội dung và giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Chính vì vậy, việc thực hiện đề tài "Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics trong giao thông vận tải" là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tại cuộc họp ThS. Đinh Văn Tuấn đã trình bày các nội dung chính của đề tài:
1. Tổng quan về thực trạng nhân lực và công tác phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics trong giao thông vận tải của các nước trên thế giới và tại Việt Nam
2. Nghiên cứu dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics trong giao thông vận tải tại Việt Nam
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics ngành giao thông vận tải
4. Xây dựng kế hoạch (5 năm) đào tạo và phát triển nhân lực khu vực dịch vụ logistics khu vực công ngành giao thông vận tải
Mục tiêu của đề tài
- Dự báo được nhu cầu phát triển nhân lực khu vực dịch vụ logistics trong giao thông vận tải tại Việt Nam;
- Đề xuất nhóm các giải pháp cần thực hiện trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics phù hợp với điều kiện và đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành;
- Đề xuất Kế hoạch năm năm về đào tạo và phát triển năng lực khu vực dịch vụ logistics đối của ngành giao thông vận tải.
Sản phẩm của đề tài gồm: Báo cáo khoa học tổng kết đề tài; Tập số liệu về lao động và đào tạo chuyên ngành khu vực dịch vụ logistics; Dự thảo kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics
Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, trên cơ sở đề cương nhiệm vụ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Hội đồng đánh giá cấp cơ sở thống nhất ý kiến chấp thuận kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.
Hình ảnh cuộc họp
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện