Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến từ năm 2012 |
Ủng hộ chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nói: “Đề án này có điểm rất đặc biệt đó là số tiến hỗ trợ của Nhà nước khoảng 93 nghìn tỷ đồng từ việc phát hành TPCP thay vì sử dụng vốn vay ODA. Tôi cho rằng, đây là đề xuất mạnh dạn, một cách làm sáng tạo của Bộ GTVT và có lẽ là cách duy nhất để chúng ta có thể triển khai được dự án này”.
Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Nghĩa băn khoăn là việc huy động nguồn vốn tư nhân khoảng 136.286 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án. “Nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã lấy từ nội địa, nếu nguồn vốn nhà đầu tư huy động tiếp tục lấy từ các ngân hàng thương mại trong nước sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải có cơ chế hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam, không chỉ đối với các dự án đường cao tốc mà còn cả Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Chúng ta nên vay vốn nước ngoài và có thể vay được. Có điều các nhà đầu tư nước ngoài họ lo ngại về rủi ro pháp lý của Việt Nam bởi đây là dạng đầu tư tài chính nên rất rắc rối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần làm rõ về cơ chế thu phí hoàn vốn đầu tư, điều tiết nguồn lực để các nhà đầu tư an tâm’, ông Nghĩa nói.
“Nếu vay của Trung Quốc qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, chúng ta có rủi ro về tỷ giá nếu vay bằng USD, vì đây là đồng tiền đầu tư tài chính quốc tế nên hay biến động vì bị lũng đoạn bởi giới đầu tư tài chính. Còn đồng Nhân dân tệ và đồng Việt Nam thì chỉ đơn giản là các đồng tiền quốc gia. Đồng nhân dân tệ không hoàn toàn thả nổi mà được Chính phủ Trung Quốc định hướng theo hướng yếu đi nên sẽ có lợi nếu chúng ta vay. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có thể chấp nhận vay đồng Nhân dân tệ để tránh rủi ro về tỷ giá”, ông Nghĩa gợi ý.